Bộ Quốc phòng Serbia vừa thông báo về việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không FK-3 do Trung Quốc sản xuất, đánh dấu sự "cải thiện đáng kể" đối với khả năng kiểm soát và bảo vệ không phận của quốc gia vùng Balkan này.
Trong thông cáo báo chí được công bố vào ngày 30/12/2024, Bộ Quốc phòng Serbia cho biết hệ thống tên lửa phòng không FK-3 – phiên bản xuất khẩu của hệ thống tên lửa đất đối không HQ-22 của Trung Quốc – cung cấp khả năng bảo vệ tiên tiến cho bầu trời Serbia.
Một khẩu đội FK-3 bao gồm xe chỉ huy và hậu cần, bệ phóng tên lửa và radar, tạo thành một mạng lưới phòng không toàn diện. Hệ thống được thiết kế để có khả năng cơ động đáng kinh ngạc, đảm bảo triển khai nhanh chóng và linh hoạt trong nhiều điều kiện hoạt động khác nhau.
Năm 2019, Serbia đã đặt hàng hệ thống FK-3. Năm 2020, các quan chức Mỹ đã cảnh báo Belgrade không nên mua hệ thống tên lửa của Trung Quốc, tuyên bố rằng để Serbia theo đuổi tư cách thành viên EU và các liên minh phương Tây khác, nước này sẽ cần phải điều chỉnh thiết bị quân sự của mình theo các tiêu chuẩn của phương Tây.
Việc chuyển giao FK-3 tới Serbia đã hoàn tất vào năm 2022 thông qua một hoạt động vận chuyển hàng không quy mô lớn, sử dụng máy bay vận tải Y-20 của Trung Quốc. Vào thời điểm đó, đây là chuyến hàng vũ khí Trung Quốc lớn nhất đến châu Âu.
Sau đợt chuyển giao này, Serbia đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vận hành FK-3 – thường được so sánh với Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ và Hệ thống phòng không S-300 của Nga, mặc dù hệ thống của Trung Quốc có tầm bắn ngắn hơn so với các phiên bản mới nhất của S-300 Nga.
Bộ Quốc phòng Serbia cho hay, các cuộc tập trận huấn luyện trên hệ thống tên lửa phòng không FK-3 được tiến hành hàng ngày như một phần của quá trình sẵn sàng hoạt động đang diễn ra. Tiểu đoàn của Lữ đoàn Tên lửa Phòng không 250, được trang bị tên lửa FK-3, liên tục được giám sát và đánh giá hiệu suất để đảm bảo hiệu quả hoạt động cao nhất.
"FK-3 là một cột mốc trong các hệ thống phòng không", Đại úy Stefan Manić, chỉ huy khẩu đội tên lửa, cho biết, nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ chống nhiễu được tích hợp trên hệ thống.
Công nghệ này giúp bảo vệ radar khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa của đối phương nhằm phá hủy các hệ thống theo dõi.
Hơn nữa, hệ thống tên lửa phòng không FK-3 có khả năng tấn công 6 mục tiêu trên không cùng lúc với tối đa 12 tên lửa, nhắm vào máy bay chiến đấu, trực thăng quân sự, tên lửa hành trình và tên lửa không đối đất di chuyển với tốc độ lên đến 1.000 m/giây.
Hệ thống tên lửa phòng không FK-3 của quân đội Serbia. Ảnh: Joint Forces
Bộ Quốc phòng Serbia nhấn mạnh rằng với phạm vi hoạt động 100 km và độ cao tối đa 27 km, FK-3 phù hợp để bảo vệ các cơ sở hạ tầng và tài sản quân sự quan trọng của đất nước.
Tương tự như phiên bản nội địa HQ-22, phiên bản xuất khẩu FK-3 của Trung Quốc được cho là đạt tốc độ tối đa Mach 6 (gấp 6 lần tốc độ âm thanh), mặc dù tầm bắn tối đa của nó ngắn hơn HQ-22.
Cả hệ thống FK-3 và HQ-22 thường bao gồm một xe radar và 3 xe phóng, mỗi xe có khả năng mang 4 tên lửa đánh chặn. Ngoài ra, FK-3 được thiết kế để chống lại các biện pháp tác chiến điện tử (EW) và hoạt động hiệu quả trong môi trường gây nhiễu cao.
Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, FK-3 sử dụng ram phóng nghiêng thay vì hệ thống phóng thẳng đứng. Mặc dù phóng thẳng đứng linh hoạt hơn nhưng lại hạn chế tầm bắn vì tên lửa phải sử dụng nhiên liệu riêng để điều chỉnh hướng.
Các ram góc cạnh hỗ trợ hướng tên lửa, mở rộng tầm bắn của chúng. Hơn nữa, cấu trúc ram góc cạnh đơn giản và nhẹ hơn so với hệ thống thẳng đứng, giúp toàn bộ hệ thống tiết kiệm chi phí hơn.
Trung Quốc khẳng định rằng FK-3 là hệ thống tên lửa phòng không duy nhất trên thế giới có hệ thống dẫn đường chế độ kép, kết hợp dẫn đường chỉ huy cộng với dẫn đường radar bán chủ động với dẫn đường chỉ huy toàn hành trình.
Công nghệ này cho phép FK-3 đạt độ chính xác cao ở cả tầm xa và tầm gần trong khi vẫn có khả năng chống nhiễu cao.
Minh Đức (Theo Eurasian Times, Defence Blog)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Công Nghệ xem các tin, bài liên quan