Trang Army Recognition hôm 21/5 dẫn phản hồi gần đây từ binh lính Ukraine cho biết, khả năng cơ động và khả năng phục hồi đặc biệt của xe chiến đấu bộ binh (IFV) Rosomak do Ba Lan sản xuất đã được chứng tỏ qua thực chiến, cung cấp mức độ bảo vệ cao cho các lực lượng của Kiev trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tự sát (kamikaze) Lancet của Nga.
Tổng cộng Ba Lan đã bàn giao 200 xe chiến đấu bộ binh bọc thép bánh lốp Rosomak 8x8 cho Các lực lượng vũ trang Ukraine.
Trong các hoạt động chiến đấu gần đây ở khu vực Kharkiv (phía Nga gọi là Kharkov), một lữ đoàn của Ukraine đã triển khai một số xe IFV Rosomak. Các lực lượng Nga đã nỗ lực nhiều lần tìm cách vô hiệu hóa các IFV này bằng máy bay không người lái (UAV/drone) Lancet nhưng vẫn chưa thành công.
Điều này cho thấy khả năng phòng thủ và khả năng cơ động mạnh mẽ của Rosomak. Với lớp giáp tiên tiến và tính cơ động cao, các IFV Rosomak rõ ràng là một vũ khí đáng gờm trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra.
Xe bọc thép Rosomak, được phát triển vào đầu những năm 2000, được đưa vào phục vụ trong Quân đội Ba Lan vào năm 2005. Nó dựa trên mẫu xe bọc thép đa năng dạng module Patria AMV của Phần Lan và được sản xuất theo giấy phép của Wojskowe Zakłady Mechaniczne (WZM) ở Ba Lan.
Các IFV Rosomak, tùy thuộc vào cấu hình của chúng, được trang bị nhiều loại vũ khí. Phiên bản Rosomak tiêu chuẩn có pháo tự động Mk 44 Bushmaster II 30 mm và súng máy đồng trục 7,62 mm, đồng thời có thể được trang bị tên lửa dẫn đường chống tăng.
Với khung gầm bánh 8x8 được trang bị động cơ diesel Scania DI 12, Rosomak có thể đạt tốc độ tối đa khoảng 100 km/h và phạm vi hoạt động khoảng 800 km. Thiết kế của chiếc xe cho phép nó vượt qua nhiều địa hình và chướng ngại vật khác nhau, khiến nó trở nên rất linh hoạt trên chiến trường.
Về khả năng bảo vệ, Rosomak tự hào có lớp giáp dạng module độc đáo có thể nâng cấp theo yêu cầu của nhiệm vụ. Lớp giáp cơ bản của nó giúp bảo vệ khỏi hỏa lực của vũ khí nhỏ và mảnh đạn pháo. Trong khi đó, các module giáp bổ sung có thể tăng cường khả năng bảo vệ trước các mối đe dọa nặng nề hơn, bao gồm các thiết bị nổ tự chế (IED) và mìn chống tăng.
Ngoài ra, Rosomak cũng được trang bị hệ thống liên lạc tiên tiến, hệ thống quản lý chiến trường (BMS) và hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, đảm bảo sự phối hợp và tham gia hiệu quả trong quá trình tác chiến.
Khi tình hình chiến trường tiếp tục phát triển, hiệu quả của các IFV Rosomak trước các mối đe dọa từ trên không, chẳng hạn như các bầy đàn drone cảm tử, không chỉ là một cột mốc quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Ukraine mà còn là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” tiềm năng.
Minh Đức (Theo Army Recognition)