Tối 16/5, Tỉnh ủy Bình Định trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm hoàn thành việc chuyển quân tập kết ra Bắc của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tại Quy Nhơn (16/5/1955 - 16/5/2025). Chương trình có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương và đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao 25 hồ sơ, kỷ vật cho thân nhân cán bộ, chiến sĩ tập kết ra Bắc và thực hiện nhiệm vụ đi B trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại buổi lễ.
Ôn lại ký ức lịch sử hào hùng
Ôn lại ký ức lịch sử hào hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết với vị trí chiến lược quan trọng là cửa ngõ nối liền khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là một trong những khu vực chính có 300 ngày để tập kết, chuyển quân, cán bộ, học sinh và đồng bào ở miền Trung và Tây Nguyên ra miền Bắc.
Trải qua 300 ngày lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Liên khu ủy Khu V, Đảng bộ và nhân dân Bình Định đã đoàn kết, đồng lòng, vượt qua bao khó khăn, thử thách, tổ chức đón tiếp, giúp đỡ, tiễn đưa hơn 20 nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh từ các tỉnh, thành trong khu vực tập kết ra miền Bắc theo kế hoạch, đảm bảo an toàn.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu ôn lại ký ức hào hùng - 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc trên đất Bình Định.
Ngày 16/5/1955, biển trời Quy Nhơn xanh ngắt kiêu hãnh rẽ sóng tiễn những người con thân yêu của quê hương Miền Trung - Tây Nguyên trên chuyến tàu cuối cùng rời Cảng Quy Nhơn, chính thức khép lại hành trình 300 ngày tập kết chuyển quân tại Quy Nhơn, cũng là ngày Đảng bộ và nhân dân Bình Định hoàn thành trọn vẹn trọng trách lịch sử với Đảng, với Bác Hồ, với dân tộc.

Đông đảo bà con nhân dân có mặt tham dự buổi lễ tối nay.
"Sự kiện 300 ngày tập kết, chuyển quân ra Bắc tại Quy Nhơn nói riêng và của miền Nam nói chung không chỉ là cuộc chuyển quân để bảo đảm tuân thủ Hiệp định Genève mà còn là tầm nhìn kế hoạch dài hạn của Trung ương Đảng và Bác Hồ trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, để vừa góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền nam và tái thiết đất nước sau chiến tranh. Đó còn là bài học vô giá về "ý Đảng, lòng dân", về biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết và khẳng định chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng bày tỏ.
Theo đó, từ cuối năm 1959, đoàn cán bộ, chiến sĩ từ miền bắc đã bí mật vượt dãy Trường Sơn để vào miền nam trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, trong đó có những cán bộ chiến sĩ miền nam tập kết ra bắc theo Hiệp định Genève năm 1954. Họ được gọi với biệt danh là "đi B". Ngày lên đường vào nam, cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ quản lý. Mỗi hồ sơ, kỷ vật là một mảnh ghép ký ức, một phần tuổi thanh xuân của cán bộ đi B trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Bình Định phát huy sức mạnh, tinh thần tự lực tự cường
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận và chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, chính quyền, dân và quân tỉnh Bình Định đã đạt được trong suốt chặng đường vừa qua.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi lễ.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh của truyền thống lịch sử, tinh thần tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện tập kết ra Bắc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định và các tỉnh thuộc Liên khu V trước đây càng phải tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", tổ chức các hoạt động thăm hỏi, gặp gỡ, tri ân, tôn vinh các gia đình chính sách, thân nhân cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Trao xếp hạng di tích quốc gia di tích Cảng Quy Nhơn - Địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc.
"Các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Bình Định tiếp tục quan tâm, phát huy giá trị lịch sử của di tích "Cảng Quy Nhơn - điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc", nơi ghi dấu ấn lịch sử của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước", Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương lưu ý.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại buổi lễ.
Tiếp tục phát huy mạnh mẽ ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định cần tập trung quán triệt và triển khai quyết liệt, đồng bộ chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đặc biệt là chủ trương hợp nhất tỉnh, mở ra cơ hội phát triển trong tương lai, đưa tỉnh mới có đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng Trung bộ và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại; phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trung tâm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước và là trung tâm kinh tế mới của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Cũng tại chương trình, tỉnh Bình Định vinh dự được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đối với Di tích "Cảng Quy Nhơn - điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc". Năm 2004, tỉnh đã chủ trương xây dựng biểu tượng di tích địa điểm chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn; công trình được xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2007; đồng thời xây dựng Đài kỷ niệm tập kết ra Bắc với chủ đề "Ra đi để bảo vệ Tổ quốc".
Ngày 15/5/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 1361/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích lịch sử Cảng Quy Nhơn - địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc (1954 - 1955).