KHẮC PHỤC LỖ HỔNG QUẢN LÝ KHOÁNG SẢN, CHỐNG THẤT THOÁT TÀI NGUYÊN QUỐC GIA
Phân cấp quản lý về khoáng sản còn nhiều "lỗ hổng", nhiều cơ quan tham gia, nhưng thiếu cơ chế phối hợp nên quản lý kém hiệu quả. Chính từ những hạn chế này, nhiều tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước.
"Tuýt còi" nhiều công ty khai thác khoáng sản vi phạm pháp luật
Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nghệ An Lê Hồng Vinh ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Phú Hưng NA vì các vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.
Tại Quyết định xử phạt số 169/QĐ-XPHC ngày 29/10 nêu rõ, Công ty CP Phú Hưng NA đã thực hiện 4 hành vi vi phạm hành chính.
Hành vi thứ nhất, đơn vị này khai thác khoáng sản là cát lòng sông vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản (cụ thể: năm 2022 vượt công suất 149,94%). Với vi phạm nêu trên, công ty bị phạt tiền với mức 900 triệu đồng.
Hành vi thứ 2, công ty đã chiếm đất nông nghiệp là đất trồng cây hàng năm, với tổng diện tích vi phạm 178,8m2, thời điểm vi phạm bắt đầu từ ngày 25/8/2014. Với hành vi này, Công ty Cổ phần Phú Hưng NA bị phạt 8 triệu đồng.
Hành vi thứ 3, không nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản năm 2022, 2023 cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định, Công ty Cổ phần Phú Hưng NA bị phạt 110 triệu đồng.
Hành vi thứ 4, không thực hiện lập sổ sách, chứng từ, văn bản có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm, thời điểm kết thúc hành vi vi phạm là ngày 25/8/2024, Công ty Cổ phần Phú Hưng NA bị phạt 120 triệu đồng.
Như vậy, tổng số tiền phạt và thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà Công ty CP Phú Hưng NA phải nộp vào ngân sách tỉnh Nghệ An là 1.138.911.114 đồng.
Được biết, Công ty CP Phú Hưng NA được cấp phép hoạt động từ năm 2013 trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, xây dựng công trình, vận tải hàng hóa bằng đường bộ và buôn bán kim loại, quặng kim loại. Đơn vị này có trụ sở tại xóm Trung Khánh, xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, do ông Trương Quốc Cường làm giám đốc.
Cũng vào trung tuần tháng 10/2024 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ (có trụ sở tại thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp), với tổng số tiền 355 triệu đồng do có hàng loạt vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Cụ thể, doanh nghiệp này đã sử dụng 1,8ha đất rừng sản xuất để làm bãi thải, xây dựng lán trại chưa được cơ quan nhà nước cho thuê đất, thời gian vi phạm từ năm 2020 đến nay.
Với vi phạm này, UBND tỉnh Nghệ An đã phạt Công ty Cổ phần Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ 210 triệu đồng; áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất chính đã thu được từ hành vi vi phạm 72 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp buộc thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định.
Ngoài ra, Công ty CP Đá và khoáng sản Phủ Quỳ còn có các sai phạm khác, gồm: Không gửi báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác nếu tạm ngừng khai thác từ 1 năm trở lên; Lập báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại trong khu vực được phép khai thác mà không đầy đủ thông tin theo quy định; Lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm.
Cần "rút thẻ đỏ" doanh nghiệp khoáng sản nhiều lần vi phạm pháp luật
Ngoài các doanh nghiệp khai thác khoáng sản (cát và đá) nêu trên, cũng trong tháng 10/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 163/QĐĐ-XPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng (có trụ sở tại Tx.Cửa Lò, Nghệ An) số tiền hơn 200 triệu đồng vì khai thác khoáng sản (mỏ đất) vượt mốc ranh giới.
Vào đầu năm 2022, Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác khoáng sản để làm vật liệu thông thường với diện tích quy hoạch hơn 22ha tại xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu hơn 22ha. Trong đó, giai đoạn 1 mới cấp phép 15ha, còn 7ha chưa được cấp phép, với trữ lượng mỏ gần 3,4 triệu mét khối.
Vào ngày 28/11/2022, công ty này đã bị UBND huyện Diễn Châu xử phạt vi phạm hành chính với hành vi là "Chiếm đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn từ ngày 20/7/2022 để sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản tại xã Diễn Lợi".
Cụ thể, Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng vi phạm trên diện tích 9.857,9m2. Số tiền mà đơn vị này bị xử phạt là hơn 100 triệu đồng. Mặc dù đã có "tiền sử" vi phạm, nhưng đơn vị này không rút kinh nghiệm mà còn tiếp tục vi phạm với mức độ nghiêm trọng hơn.
Theo quyết định xử phạt, từ ngày 5/6 đến 30/7, Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng đã khai thác đất với diện tích hơn 2,3ha vượt ra ngoài ranh giới diện tích thuê đất đợt 1, nhưng trong phạm vi ranh giới cấp phép khai thác theo giấy phép.
Vì vậy, đơn vị này bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính số tiền 210 triệu đồng. Đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do vi phạm hành chính hơn 88 triệu đồng.
Ông Lê Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Diễn Lợi cho biết, từ khi các doanh nghiệp khai thác đất đi vào hoạt động thì đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây bụi mù mịt, thậm chí nhiều phương tiện tải trọng nặng di chuyển gây hư hỏng đường.
"UBND xã đã nhiều lần làm việc với công ty, tuy nhiên các đơn vị vẫn không chấp hành việc xử lý ô nhiễm môi trường. Thẩm quyền của xã chỉ có thể báo cáo với huyện để lập đoàn kiểm tra, do các chủ mỏ không hợp tác", ông Thuận nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Diễn Lợi, quản lý, bám nắm địa bàn là trách nhiệm của địa phương, vì vậy nếu để xảy ra các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, thì trách nhiệm đầu tiên phải là chính quyền cấp xã. Tuy nhiên, chính quyền xã lại không có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản xử lý hay thu giữ phương tiện.
Sau khi phát hiện mỏ đất nêu trên khai thác vượt mốc giới được cấp phép, ngày 5/6/2024, UBND xã Diễn Lợi đã báo cáo về việc khai thác vượt phạm vi gửi UBND huyện Diễn Châu để kiểm tra và có hướng xử lý. Đến ngày 30/7/2024, UBND huyện Diễn Châu tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý đất đai, xây dựng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan đến mỏ đất tại xã Diễn Lợi.
Ông Cao Thanh Long, Phó phòng TN&MT huyện Diễn Châu, cho biết, tại hiện trường, đoàn kiểm tra còn phát hiện một số tồn tại khác ở mỏ đất này. Đặc biệt nhất là việc trong quá trình khai thác, Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng đã làm mất mốc giới hạn ranh giới được phép khai thác trên mỏ đất.
Đại diện huyện Diễn Châu khẳng định, sau khi UBND tỉnh có quyết định xử phạt, đơn vị sẽ phối hợp với UBND xã tiến hành giám sát chặt để tránh trường hợp tương tự xảy ra.
Ông Lê Quang Huy, Phó giám đốc Sở TN&MT Nghệ An, cho biết, trên địa bàn có 281 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, UBND tỉnh Nghệ An cấp 223 giấy phép và Bộ TN&MT cấp 58 giấy phép.
Khắc phục "lỗ hổng" quản lý khoáng sản – Kỳ 2: Gắn trách nhiệm với người đứng đầu địa phương