Lâu dần do dòng chảy của nước trong những lần thủy triều lên, sóng nước đánh mạnh vào bờ khi có tàu thuyền lớn chạy qua hay sau những trận mưa lớn, đất hai bên bờ sông, bờ kênh tạo thành những hàm ếch xoáy sâu vào vào bờ đất nơi nhiều người đang sinh sống, hàng nghìn ngôi nhà tạm bợ tại TP.HCM đang đứng trên miệng tử thần.
Hai ngôi nhà tại huyện Nhà bè bị sụp xuống sông
Đi thực tế tại các khu vực nhà dân nằm ở gần bờ sông, hầu hết người dân đều biết tác hại nghiêm trọng của việc sạt lở nhưng cách để khắc phục thì ngoài khả năng. Bà Phạm Thị Lê, ngụ Quận 1, cho hay: "Nhằm bảo vệ người dân, chính quyền thành phố cũng đã triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại nếu không may sạt lở đất, một số nơi khuyến cáo người dân sống ven bờ áp dụng biện pháp trồng cây chắn sóng, tháo vật cản để lưu thông dòng chảy..., đồng thời áp dụng một số biện pháp lâu dài như xây khu tái định cư cho người dân không có quỹ đất, không vốn. Nhưng xem ra, cũng chỉ là giải pháp tình thế".
Khi mà nhiều biện pháp khắc phục sạt lở vẫn đang nằm trên giấy do thiếu vốn, nhiều người dân tự bỏ tiền xây dựng bờ kè để tự cứu mình. Ông Tạ Phúc Nguyên (ngụ tại đường Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh) cho biết: "Không đành lòng để đất của mình hàng ngày bị cuốn theo con sóng, tôi chủ động dùng cọc cừ tràm, bao tải cát để chống lở đất ngay phần đất sát mép sông, nhưng cũng chỉ làm sơ và không lấn ra bờ sông mặc dù trên thực tế đất của tôi qua thời gian đã bị xói mòn một phần".
Không chỉ có nhà ven sông lớn mới sạt lở, nhiều nhà dân bên những dòng kênh nước thải nhỏ cũng chịu chung số phận. Ông Nguyễn Quốc Huy (ngụ thị trấn Nhà Bè, huyện Bình Chánh) buồn bã: "Nhà tôi ngay cạnh dòng kênh, mỗi năm khi đến mùa mưa rất sợ lở đất, con đường nhỏ vào nhà cũng bị xói mòn nên luôn bị ngập trong nước thải. Để bảo vệ gia đình, nhiều hộ dân ở đây đã phải tự bỏ tiền mua cừ tràm, bao tải cát kè bờ đất, rồi dùng đá xô bồ đổ vào cho chắc, nhưng tình trạng đất bị trôi hàng năm vẫn liên tục xảy ra".
Ông Nguyễn Quốc Huy nói thêm, người dân trong khu vực sạt lở luôn lo sợ cho sự an toàn của mình, trong khi đó việc khảo sát, quản lý chống sạt lở và xử lý sau sạt lở của cơ quan chức năng rất chung chung. Ngành tài nguyên môi trường cho rằng chỉ phụ trách quản lý tài nguyên nước, chất lượng nguồn nước, ngành Giao thông Vận tải bảo lo an toàn giao thông, còn Nông nghiệp chỉ lo thủy lợi. Khi gặp vết nứt, sạt lở đất ở đâu, địa phương đó mới cho khảo sát, gia cố, nhà dân có nguy cơ sụp mới được bố trí di dời. Do vậy, về lâu dài để hạn chế sạt lở khu vực trên cần phải có giải pháp căn cơ, chủ động hơn.
Thực tế hiện nay cho thấy, nếu triển khai chống lở bờ, lở đất ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại TP.HCM sẽ lên đến hàng triệu USD. Do vậy cho đến nay, các biện pháp phòng chống sạt lở ở khu vực này vẫn mang giải pháp tình thế. Cứ đến mùa mưa lũ, người dân lại nơm nớp lo sợ khi dòng nước chảy xiết cuốn trôi bao tài sản và sinh mạng con người. Trong khi đó, biện pháp căn cơ vẫn là ẩn số chưa có lời giải do "thiếu vốn và không còn quỹ đất".
Bà Nguyễn Thị Trúc Ly, chuyên gia nghiên cứu Khu Đường sông TP.HCM cho biết: "Để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân, đảm bảo điều kiện phát triển bền vững vùng đất giàu tiềm năng hai bên bờ sông, điều cần thiết là phải xây dựng các công trình chỉnh trị bảo vệ bờ sông. Tuy nhiên, số lượng điểm sạt lở bờ sông quá nhiều, ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng được. Vì vậy, việc nghiên cứu dự báo sạt lở từ đó vạch ra hành lang an toàn bên sông, xây dựng kế hoạch di dời giải tỏa các hộ dân, công trình ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm là cần thiết và cấp bách". |
Công Thư