Khoảng 7h sáng nay, 30/5, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) phát hiện đường ống nước sạch sông Đà bị rò rỉ tại km23 và km27 ven đường đại lộ Thăng Long (huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Theo Vietnamnet, ngay khi phát hiện sự cố, bên phía công ty đã cho khóa van cấp nước và điều động lực lượng đến khắc phục sự cố. Một số đơn vị tiếp nhận nguồn nước sạch sông Đà đã thông báo cho người dân sử dụng nước tiết kiệm. Theo thông báo thời gian tạm ngừng cấp nước từ 5h đến 18h.
Ghi nhận của Thanh Niên tại km27 đại lộ Thăng Long, 3 máy múc và hơn 10 công nhân đã bốc đi lớp đất sâu khoảng 3m và tháo 9m đường ống dẫn nước. Nghi ngờ phía trong ống còn có vết nứt, công nhân đem máy móc vào tìm kiếm và xử lý. Một phần đường gom đại lộ Thăng Long được chắn lại để phục vụ công tác khắc phục sự cố.
Sau khi xử lý xong sự cố đường ống nước sạch sông Đà tại km27 đại lộ Thăng Long, nhân công và phương tiện được điều đến tiếp tục khắc phục tại km23. Tại đây, đường ống bị rò rỉ dài gần 20 m. Viwasupco đã điều 6 máy xúc cùng nhiều công nhân đến đào bới đất, thay thế đường ống dẫn nước bị nứt.
Viwasupco cho biết đã cho rà soát toàn tuyến đường ống nước sạch sông Đà chôn ngầm ven đại lộ Thăng Long, sớm phát hiện các vết nứt, rò rỉ, chủ động khắc phục. Đến chiều cùng ngày phía công ty xác nhận đường ống đã được sửa lại và sẽ mở van nước sạch cho người dân.
Sự cố rò rỉ đường ống nước sạch sông Đà làm ảnh hưởng đến việc cấp nước sạch sinh hoạt cho hơn 100 nghìn hộ dân ở TP.Hà Nội. Theo Viwasupco, những hộ dân ở nhà chung cư, hay nhà riêng có bể chứa dự trữ sẽ ít chịu ảnh hưởng của sự cố, tuy nhiên, vẫn cần tiết kiệm nước sạch.
Tính đến nay, đã hơn 20 lần đường ống nước sạch sông Đà gặp sự cố ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân thủ đô.
Dự án đường ống cấp nước sạch sinh hoạt sông Đà triển khai giai đoạn 1 vào năm 2005 ở các khu đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông với độ dài 45,8km, công suất 300.000 m3/ngày đêm, vốn 1.500 tỷ đồng. Đến năm 2009, tuyến ống số 1 được đưa vào vận hành.
Giai đoạn 2 của dự án được khởi công vào tháng 10/2015 nhằm nâng công suất cấp nước lên đến 600 nghìn m3/ngày đêm, nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng.
Bá Di (Tổng hợp)