Rà soát việc triển khai các luật, Nghị quyết của Quốc hội
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 853 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XV.
Theo đó, UBTVQH ghi nhận các giải pháp, cam kết của Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn.
UBTVQH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp, yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật được đề ra tại Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81 của UBTVQH.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Tập trung khắc phục tình trạng gửi chậm hồ sơ đề xuất xây dựng luật, Nghị quyết của Quốc hội không phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc thực hiện chủ trương thí điểm những nội dung khác luật, những đề xuất một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật nhưng chưa lý giải thuyết phục sự cần thiết và chưa đánh giá kỹ tác động.
Việc thí điểm phải xác định phạm vi, không gian, thời gian, địa chỉ cụ thể và phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Không đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Rà soát, bảo đảm thực hiện kịp thời, đầy đủ, có chất lượng việc triển khai các luật, Nghị quyết của Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV vào đầu tháng 9/2023.
Chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101, kịp thời phát hiện các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập liên quan đến các thị trường hàng hóa, dịch vụ, chứng khoán, bất động sản, mua sắm, đầu tư công, phòng cháy, chữa cháy, hoàn thuế giá trị gia tăng để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành hoặc văn bản vừa ban hành đã phải sửa đổi do không phù hợp.
Chấm dứt tình trạng sử dụng hình thức văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật để quy định các nội dung có tính quy phạm pháp luật, nhất là đặt ra quy trình, thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật hiện hành.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành và địa phương; kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức pháp chế; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận công chức pháp chế.
Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương. Quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng, kỷ luật, kỷ cương trong kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Rà soát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động đấu giá tài sản, tạo điều kiện cho hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch.
Tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề mang tính cấp bách, khắc phục sơ hở, chồng chéo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ cho việc tổ chức đấu giá tài sản, ngăn chặn hiệu quả và khắc phục triệt để tình trạng tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản; khẩn trương chuẩn bị, bảo đảm chất lượng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7...
Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết nêu rõ, khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện để dự báo sát tình hình, thận trọng, kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội thị trường. Củng cố các thị trường hiện có, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam....
Theo dõi sát diễn biến thị trường và giá lương thực trên thế giới, có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Phối hợp với bộ, ngành, địa phương quản lý, điều phối công tác thu mua, chế biến, bảo quản lúa gạo, bảo đảm ổn định thị trường trong nước, hài hòa lợi ích người trồng lúa, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo...
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết; Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết tại Phiên họp tháng 9 hàng năm.
Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Trên cơ sở Nghị quyết và thực tiễn thi hành pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động tổ chức các phiên giải trình thuộc lĩnh vực phụ trách, góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước.