Nội bất xuất... ngoại bất nhập
Sáng 13/12, PV Người Đưa Tin có mặt tại trụ sở công ty TNHH Nhóm Mua chi nhánh Hà Nội, tọa lạc tại số 50 phố Nguyễn Khuyến (Đống Đa, Hà Nội). Không nằm ngoài dự đoán, căn nhà 5 tầng hiện đại với mặt tiền lên đến 6m vẫn im ỉm khóa. Chốc chốc lại xuất hiện một vài chiếc xe máy đáp xịch trước cửa. Họ vội vã xuống hỏi thăm rồi lắc đầu ngao ngán quay đi. Khi chúng tôi tiếp cận mới biết, họ từng là những khách hàng trung thành của Nhóm Mua, nghe tin công ty tạm ngưng hoạt động đã kéo đến đòi nợ. Tuy nhiên, dù hàng chục người đứng trước cửa nhưng vẫn chưa thấy bất cứ nhân viên công ty đến giải quyết.
Chị Nguyễn Minh T. chủ một cửa hàng tranh thêu trên phố Sơn Tây (Hà Nội) bức xúc: "Tôi chờ ở đây từ sáng mà trụ sở công ty vẫn cửa đóng then cài. Nghe nói mấy hôm trước, chi nhánh này ra thông báo tạm ngưng hoạt động từ ngày 11/12 nhưng hôm nay tôi mới đến đòi nợ được. Cửa hàng của tôi hiện còn cầm hơn 80 voucher của khách hàng, trị giá khoảng gần 10 triệu đồng nhưng chưa được công ty thanh toán. Số tiền trên tuy không nhiều nhưng với những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi thì thiệt hại là không nhỏ. Chúng tôi vô cùng bức xúc trước lối hành xử của lãnh đạo Nhóm Mua".
Tại đây, PV tiếp xúc với những nhân chứng trực tiếp bị giam lỏng vào buổi sáng 11/12. Một nhân viên bảo vệ tại Nhóm Mua Hà Nội (đề nghị giấu tên) cho biết: "Vào khoảng 10h sáng 11/12, trong khi các nhân viên đến lĩnh lương và một số khách hàng đến thanh toán voucher thì bỗng nhiên cửa công ty đóng sập xuống. Tôi và nhiều người còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì một nhân viên công ty chạy đến ngắt điện ở cầu dao, căn phòng bỗng nhiên tối om. Những người bị giam bên trong tỏ ra vô cùng bức xúc trong khi phía công ty không đưa ra một lời giải thích nào. Bản thân tôi là bảo vệ cũng bị giam lỏng và không thể mở cửa để thoát ra ngoài. Lúc đó, phía trong có khoảng hơn 20 người gồm cả nhân viên và khách hàng. Trước đó, vào khoảng giữa tháng 11, nhân viên công ty cũng từng một lần bị giam lỏng như vậy".
Nhân viên bảo vệ này nói tiếp, sau khi bị nhốt khoảng gần 3 tiếng thì một người trong nhóm gọi điện cho công an phường Văn Miếu.
"Một lúc sau, công an yêu cầu mở cửa, cả nhóm chúng tôi mới được giải thoát. Tôi được biết, bác trưởng bộ phận bảo vệ và lãnh đạo công ty được đưa về trụ sở công an để làm việc. Lúc đó, phía bên ngoài trụ sở công ty cũng có rất đông khách hàng tập trung để yêu cầu công ty thanh toán. Phải rất lâu sau đám đông mới giải tán", nhân viên này nói thêm.
Cũng theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, sáng 11/12, Công ty Nhóm Mua tại Hà Nội bất ngờ đóng cửa và có thông báo tạm ngưng hoạt động. Thông báo dán trước trụ sở với nội dung: "Công ty TNHH Nhóm Mua và các chi nhánh tất cả các tỉnh, thành tạm ngưng hoạt động kể từ ngày hôm nay, 11/12/2012. Vui lòng liên hệ với Người đại diện pháp lý của công ty được ghi rõ trong giấy phép kinh doanh và trong hợp đồng".
Được biết, trước cửa trụ sở chi nhánh, có 2 bảo vệ đứng túc trực để thông báo với khách hàng thông tin công ty tạm nghỉ. Tuy nhiên, họ không giải thích gì thêm về thủ tục bồi thường tiền cho khách hàng đang giao dịch với công ty.
Voucher biến thành... giấy lộn
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, đại diện công an phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội) khẳng định, đúng là có hiện tượng nhân viên và khách hàng bị giam tại chi nhánh công ty Nhóm Mua. Một số khác cũng tụ tập trước cửa để yêu cầu phía công ty trả nợ. Công an phường đã yêu cầu đại diện công ty về trụ sở làm việc, tuy nhiên chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo đó, sáng 11/12, nhận được tin báo từ một số điện thoại lạ, cảnh sát đã có mặt tại trụ sở Nhóm Mua yêu cầu công ty mở cửa. Lúc đó, có khoảng hơn 20 người phía trong, gồm cả nhân viên và khách hàng. Sau khi mở cửa họ đều đi khỏi nơi đó và cũng không thấy đến công an phường trình báo. Chúng tôi cũng tìm cách liên hệ lại với số điện thoại báo tin nhưng không liên lạc được. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, công an phường sẽ cùng các lực lượng có thẩm quyền điều tra, xử lý, vị này khẳng định.
Chị Phạm Thị H. (trú tại Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) - một nạn nhân của Nhóm Mua than thở: "Cách đây hơn một tuần, tôi đã vào trang web Nhóm Mua để mua 4 voucher giảm giá tại nhà hàng lẩu nướng Nhật Bản với giá 199.000 đồng /voucher. Ngày 11/12, tôi cùng mấy chị đồng nghiệp đến nhà hàng này để ăn trưa thì được nhân viên ở đây cho biết họ không chấp nhận voucher này. Sau một hồi tranh cãi, tôi đã gọi điện đến số máy của Nhóm Mua để thắc mắc nhưng không liên lạc được. Tôi liền tìm đến trụ sở công ty thì thấy đóng cửa.
Cũng theo chị H., chỉ trong vòng 15 phút, chị đã chứng kiến hàng chục khách hàng đến trụ sở Nhóm Mua để đòi nợ. Tuy nhiên, tất cả đều phải ra về với thái độ vô cùng bức xúc. Một số người chán nản, sau khi đọc xong thông báo đã vứt lại voucher và ra về. Đa phần khách hàng đều cho biết, 2 ngày nay, họ liên tục liên lạc đến số điện thoại trong voucher để kiểm tra thông tin sản phẩm nhưng đều không có tín hiệu kết nối.
Sự việc công ty Nhóm Mua đóng cửa đã khiến nhiều khách hàng đang sử dụng dịch vụ mua hàng qua mạng một lần nữa đặt câu hỏi, nếu chẳng may công ty cung cấp phiếu mua hàng phá sản, ai sẽ đứng ra trả lại tiền cho họ. Bởi, những gì khách hàng đang sở hữu chỉ là một tờ voucher ghi địa chỉ công ty cung cấp dịch vụ mua hàng, công ty đối tác, không có một dòng thông tin nào về việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng trong trường hợp họ gặp rủi ro.
Trong hoàn cảnh đó, những voucher được mua hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng sẽ trở thành những đống giấy lộn.
'Chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật' Đại diện Công an phường Văn Miếu cũng cho biết, Công ty TNHH Nhóm Mua chi nhánh Hà Nội có đến gần 300 nhân viên. Từ trước đến nay, họ cũng chưa để xảy ra tranh chấp gì. Rất có thể đây là cuộc đấu đá trong nội bộ lãnh đạo công ty. Mọi người gọi điện tố cáo họ bị giam, tuy nhiên sau khi điều tra, chúng tôi vẫn chưa xác minh được có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vị này nói thêm. |
Anh Văn - Vương Chân