Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, kể: Một vị khách Pháp của ông, sau khi lên đảo và nhìn quanh một vòng cơ ngơi của một khách sạn ở vịnh Nha Trang, đã tuyên bố không quay lại nữa.
“Làm du lịch là đưa khách về với thiên nhiên, vậy mà người ta nỡ lòng phá nát chúng”, người khách này nói.
Không gian Mũi Né ngày càng chật hẹp |
Những gì đang diễn ra tại Việt Nam trái hẳn với xu hướng tìm về thiên nhiên, với phong cảnh hoang sơ, mà thế giới đang theo đuổi.
Hủy hoại cảnh quan thiên nhiên là tình trạng xảy ra ở hầu hết các điểm đến nổi tiếng như Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc, Sapa… Theo ông Huê, khi phát triển sản phẩm du lịch mới, các doanh nghiệp (DN) du lịch lẫn cơ quan quản lý nhà nước đều không tính tới các tác động tiêu cực lên môi trường tự nhiên. DN nghĩ ra tuyến điểm mới, tổ chức khảo sát, thiết kế và đem ra bán cho du khách. Nhà nước theo sau quảng bá mà không có một định hướng để phát triển sản phẩm bền vững.
Việc để xảy ra tình trạng ô nhiễm tràn lan ở các danh lam thắng cảnh hay danh thắng, dĩ nhiên, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.
Làm du lịch ở VN là khai thác ba “món”: Trời, đất và nước. Đối với trời, du khách đến VN phải thấy được bầu trời xanh, nắng, gió không bị che khuất bởi các kiểu kiến trúc khác nhau. Nhưng không gian như thế ở ta đang bị mất đi. Mũi Né, Phú Quốc hay Nha Trang đều đang như vậy. Thắng cảnh ở ta nhiều nơi ngập đầy rác, nhà vệ sinh kém dơ bẩn… Cứ như thế, chẳng còn lý do gì để du khách tìm đến.
Ông Huê trầm ngâm: “Rồi đây du khách đến VN sẽ chiêm ngưỡng những gì khi ở khắp nơi, thắng cảnh đang bị khai thác một cách tan hoang”.
Cảnh quan du lịch xuống cấp là vấn đề được nêu ra trong rất nhiều cuộc hội thảo trước đây. Tuy nhiên, thực tế không có gì biến chuyển, nếu không muốn nói là ngày càng trầm trọng hơn. Nguyên nhân là do ý thức của người tham gia du lịch ở VN không cao (cả DN và du khách), quản lý nhà nước cấp địa phương không hiệu quả, các chế tài không đi vào thực tiễn.
Và chính ngành du lịch lại gánh chịu hậu quả này bởi du khách, nhất là du khách nước ngoài, rất “nhạy cảm” với môi trường điểm đến. Dễ thấy nhất là du khách không quay lại. Một du khách không quay lại thì có thể du lịch VN còn mất nhiều người khách khác do truyền miệng, khi cải thiện được cũng khó thuyết phục du khách. Nhiều DN du lịch thừa nhận nếu không bảo vệ môi trường thiên nhiên ở các điểm đến một cách triệt để, du lịch VN khó trở thành một điểm đến uy tín trên thế giới.
Theo Thanh niên