Khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng tích cực 6 tháng đầu năm 2024
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra COVID-19. Cụ thể, riêng trong tháng 6/2024, lượng khách quốc tế là hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được là nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được các địa phương đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo, trong 8,8 triệu lượt khách quốc tế, khách đến bằng đường hàng không chiếm 83,8%; đường bộ chiếm 14,3% và đường biển chiếm 1,9%.
Đặc biệt cũng trong 6 tháng qua, người Việt Nam xuất cảnh đạt 2,6 triệu lượt người, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tăng 15,2%; từ du lịch lữ hành tăng 37,1% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo cho biết, từ đầu năm các địa phương đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế. Kết quả là, Hà Nội đã đón trên 14 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế tăng 52,6% (gồm 2,21 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 55.385 tỉ đồng.
Thanh Hóa đã đón gần 9,8 triệu lượt lượt khách, doanh thu khoảng 19.848,5 tỷ đồng. Các điểm đến được đông đảo khách quốc tế lựa chọn khi đến Thanh Hóa gồm: Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông; Khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn; Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh... Khách quốc tế chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh...
Trong 6 tháng đầu, Khánh Hòa đón gần 5,2 triệu lượt khách lưu trú, tăng 88% so với cùng kỳ...
Bên cạnh đó, theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), kể từ đầu năm đơn vị luôn tích cực quảng bá, xúc tiến để tiếp tục thu hút khách quốc tế. Từ ngày 24/6 - 2/7, Cục tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Paris (Pháp), Milan (Italy) và Frankfurt (Đức). Châu Âu là thị trường khách trọng điểm của du lịch nước ta, du khách thường lựa chọn những kỳ nghỉ dài ngày và chi tiêu cao. Năm 2023, Việt Nam đón trên 1,4 triệu lượt khách châu Âu, tăng 187% so với năm 2022. Năm tháng đầu của năm 2024, đã có trên 975.000 lượt khách châu Âu đến Việt Nam, tăng 57,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Thông tin trên Nhà báo & Công luận từ ngày 29/6 đến ngày 3/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ hội xúc tiến du lịch - văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2024. Lễ hội giới thiệu hình ảnh đất nước và con người, xúc tiến thương hiệu du lịch Việt Nam, quảng bá, điểm đến, dịch vụ, tiềm năng du lịch nước ta đến người dân Hàn Quốc thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch.
Cục Du lịch Quốc Việt Nam đánh giá, Hàn Quốc luôn là thị trường mục tiêu quan trọng hàng đầu của du lịch nước ta. Khách Hàn Quốc sang Việt Nam tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2014-2019, tốc độ tăng trưởng bình quân 38%/năm. Trong năm 2023, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu lượt khách. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường nguồn khách hàng đầu của Hàn Quốc trong khu vực Đông Nam Á với khoảng 420.000 lượt khách đến.
Trong khi đó, khách nội địa trong 6 tháng đầu năm đạt 66,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 436,5 nghìn tỷ đồng. Thị trường du lịch nội địa đang vào mùa cao điểm, ngay từ tháng 4/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động chương trình kích cầu “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”. Từ đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tung ra các gói sản phẩm hấp dẫn, tổ chức sự kiện, lễ hội sôi động để thu hút khách. Do vậy lượng khách nội địa đang tăng nhanh qua từng tháng.
Du lịch Việt Nam kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024
Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành Du lịch cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy công tác hoạch định chính sách, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch...
Báo Đảng Cộng Sản Việt Nam dẫn nguồn dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức năm 2019. Tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của du khách quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới..., đòi hỏi việc quảng bá, xúc tiến cũng phải được đổi mới để phù hợp với thực tiễn.
Trúc Chi (t/h)