Sẵn sàng cho năm học “bản lề” then chốt
Năm học 2018-2019 đánh dấu một sự kiện quan trọng của ngành giáo dục khi chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình các môn học, hoạt động giáo dục chính thức được ban hành, chương trình được xây dựng theo định hướng giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực người học thay vì giáo dục định hướng nội dung kiến thức.
Theo lộ trình, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai theo hình thức cuốn chiếu từ năm học 2020-2021, bắt đầu từ lớp 1.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Xác định đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nên thời gian qua, ngành giáo dục đang tập trung cho việc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý. Cụ thể, giáo viên tập trung vào đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá; Hiệu trưởng tập trung vào quản trị nhà trường; cán bộ quản lý sở/phòng tập trung vào các kỹ năng lãnh đạo, quản lý giáo dục…
Về chuẩn bị sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2020-2021 sẽ áp dụng chương trình mới với lớp 1 nên trước hết Bộ ưu tiên chuẩn bị sách giáo khoa cho lớp học này. Dự kiến đầu tháng 10/2019, kết quả thẩm định sách giáo sẽ được công bố”.
Thời gian qua, đã xảy ra một số sự việc liên quan đến an toàn trường học, cá biệt có sự việc gây hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù chỉ là sự việc cá biệt, song, cần phải có thêm các giải pháp quyết liệt hơn nữa đảm bảo an toàn trường học.
Vị tư lệnh ngành giáo dục cho biết: “Để xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo an toàn trường học, Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025; hoàn thiện để ban hành Thông tư quy định quy tắc ứng xử trong trường mầm non, phổ thông để tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử tốt hơn trong thời gian tới; tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô; trang bị kiến thức kỹ năng thoát hiểm cho học sinh…
Để khắc phục việc quán triệt chưa triệt để, bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và các chỉ đạo của Chính phủ, của ngành giáo dục tại các địa phương, cơ sở giáo dục nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện”.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam nhận định: “Năm học mới, chắc chắn sẽ có sự đổi mới. Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức trong học đường, chắc chắn năm học này sẽ có sự chú trọng giáo dục đạo đức đầu tiên. Chữ “đức” cần xếp trước chữ “tài”.
Thứ hai, đây là năm học đòi hỏi môi trường học đường phải hạn chế tối đa những tiêu cực như bạo hành, tai nạn trong học đường… trong năm học qua để xảy ra hơi nhiều khiến dư luận không đồng tình. Sư phạm là môi trường mô phạm, cần phải đặc biệt chú trọng tấm gương nhà giáo.
Thứ ba, bộ GD&ĐT phải đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới thật “trơn tru”, nếu không bảo đảm sẽ “mang tiếng” vô cùng. Tiếp theo, cần ứng dụng công nghệ nhiều hơn vào chương trình dạy và học trong học đường, đòi hỏi có sự đầu tư toàn diện.
Cuối cùng, nhà trường phải gắn liền với xã hội, không thể trở thành “ốc đảo”, phải gắn với xã hội, với các môi trường bên ngoài, phong trào, sản xuất… Trong năm học mới, cần thực hiện tính mở, mở về đối tượng, phương pháp, địa điểm,… để xóa rào cản không cần thiết về mặt pháp lý, quy chế, tình cảm, tâm lý, tài chính,… những rào cản làm hỏng hệ thống giáo dục. Xây dựng xã hội học tập, luôn luôn có tư tưởng “học tập suốt đời”, “học, học nữa, học mãi”…”.
Sẵn sàng trước thềm năm học mới, bà Vũ Kim Loan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Kết (Hà Đông, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong trường đã được tập huấn kỹ càng đối với tất cả các khối lớp để có thể tự tin giảng dạy trước chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đặc biệt, nhà trường đã thông tin đến phụ huynh, làm công tác tâm lý trước sự thay đổi này, trong chương trình giáo dục phổ thông mới cũng có thêm nội dung giáo dục trải nghiệm, chắc chắn thu hút học sinh tham gia. Chúng tôi luôn luôn quan niệm “Nụ cười của bé là niềm vui của mẹ”, mỗi giáo viên là một người mẹ thứ hai, luôn lựa chọn phương pháp giáo dục tối ưu học sinh có thể khám phá kiến thức thông qua những trải nghiệm vui”.
Vì một năm học giảm áp lực
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông chia sẻ: “Trước thềm năm học mới 2019-2020, quận Hà Đông đã sẵn sàng tinh thần bước vào năm học mới với chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm nay, quận có 96.005 học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, quận đã xây dựng thêm các trường mới, hoàn thiện và bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật.
Về đội ngũ, tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo viên về chính trị, đổi mới phương pháp giảng dạy, tập huấn kỹ năng giảng dạy, kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích, phòng chống xâm hại, an toàn trường học, phòng chóng tệ nạn trong và ngoài trường học, tổ chức đề án bơi hỗ trợ cho hơn 300.000 học sinh”.
“Trước đây, Hà Đông áp lực mỗi năm tăng 7.000 học sinh so với năm trước. Những năm gần đây, quận Hà Đông cũng tiến hành xây mới thêm các trường, thêm các đơn nguyên cho các trường, để giảm áp lực sĩ số. Bên cạnh đó, sự tuyên truyền để các phụ huynh không đổ xô vào một “trường điểm” nào đó để tránh sự quá tải. Đặc biệt đối với mầm non, sự bốc thăm là rất ít, vận động phụ huynh để giảm áp lực”, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông thông tin thêm.
Ngành giáo dục của quận năm nay thiếu hơn 700 giáo viên, vì tăng thêm nhiều trường lớp. Vì vậy, các trường chủ động tìm nguồn bổ sung giáo viên từ sinh viên sư phạm mới ra trường, cho dự giờ, dạy thử và ký hợp đồng để giảm áp lực về thiếu giáo viên”.
Bà Hoàng Thị Thu Trinh, Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Phương châm giáo dục của chúng tôi luôn là “không áp lực”, nhưng phải có nền tảng, nền nếp và ý thức để học sinh tự thân phấn đấu học học hết khả năng.
Đồng thời, tổ chức các câu lạc bộ năng khiếu, thể thao trong trường để động viên, khích lệ sự hứng thú đối với các môn học cho học sinh. Những câu lạc bộ cũng góp phần giảm tải áp lực học đường cho học sinh”.
Giáo dục vươn mình mạnh mẽ
Tự chủ là xu hướng tất yếu để phát triển của các trường đại học. Thực tế thí điểm tự chủ ở một số trường những năm qua cho thấy đã có bước tiến vượt bậc về chất lượng đào tạo, chất lượng quản trị.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ: “Có thể nói, năm học 2018-2019, giáo dục đại học đã có một bước tiến dài trong tiến trình thực hiện tự chủ. Các nút thắt về tổ chức, nhân sự, tài chính, học thuật cơ bản đã được tháo gỡ, tạo điều kiện cho các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo.
Song hành với mở rộng tự chủ, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học cũng được đẩy mạnh trong năm học vừa qua.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện tự chủ của các trường đại học cũng bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các trường đại học thực hiện quyền tự chủ đồng thời siết chặt kiểm tra, thanh tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, trách nhiệm giải trình của các trường đại học bảo đảm quyền lợi cho người học và chất lượng nguồn nhân lực của đất nước”.
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng bộ GD&ĐT cũng gửi gắm: “Năm học 2019-2020 là năm ngành giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là:
Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; Giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đổi mới tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Năm học này sẽ là năm “bận rộn” của ngành giáo dục để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tôi mong rằng, mỗi thầy cô giáo hãy tham gia tích cực vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới; mỗi bậc phụ huynh, mỗi địa phương và toàn xã hội sẽ đồng hành và chung tay với sự nghiệp đổi mới. Chỉ khi có sự vào cuộc của toàn xã hội, sự nghiệp đổi mới giáo dục mới đi đến thành công”.
Nhà giáo ưu tú, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội bày tỏ: “Chúng tôi, những người làm giáo dục luôn hy vọng: Mỗi học sinh hãy trở thành công dân “đẳng cấp thế giới”!
Nhân ngày khai giảng mở đầu năm học mới, tôi xin nhắn gửi đến các học trò, ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 50 năm Bác đã đi xa, nhớ quan niệm của Bill Gates để hiểu ý nghĩa của việc cắp sách đến trường để tham gia xây dựng người công dân “đẳng cấp thế giới” của mỗi gia đình, mỗi nhà trường, mỗi quốc gia và càng thấy được ý nghĩa của việc phát huy truyền thống của môi trường học đường.
Tôi cũng mong rằng, trong năm học mới, các học sinh sẽ có một nỗ lực mới, có một quyết tâm mới để có được phong cách học sinh với “5 tự” là: biết tự học sáng tạo; biết sống tự chủ, tự tin, tự trọng và biết tự chịu trách nhiệm về những việc mình đã làm”.
“Bên cạnh đó, luôn luôn ghi nhớ đã làm tốt những điều chúng ta mong muốn thì mỗi người luôn phải có ý thức xây dựng cho mình một văn hóa phát triển. Đến trường học không phải học vì bằng cấp mà mỗi người phải có lẽ sống, biết cách trở thành những người tử tế, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho chính mình và những người thân trong gia đình, những bạn bè thân thuộc để đóng góp cho xã hội, cho đất nước phát triển”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Công Luân - Thủy Tiên