Nhiều đối tượng cho rằng, làm cho đối phương tàn phế đã lỗi thời, bây giờ, thấy "ngứa mắt" là cho đối phương đi... chầu trời luôn.
Trao đổi với PV, đại tá Dương Tự Trọng - phó giám đốc công an TP.Hải Phòng cho biết: "Lê Xuân Trường, SN 1982, ở xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng là tên tội phạm đầu tiên ở đất Cảng "khai hỏa" súng tự chế hay còn gọi là súng bắn đạn hoa cải để giải quyết mâu thuẫn, thời điểm đó là vào năm 2005.
Từ đó, việc sử dụng súng tự chế để "thanh toán" nhau trong giới tội phạm bắt đầu lan tỏa. Súng tự chế mang tên "made in Hải Phòng" cũng từ Trường mà ra. Trong thời gian qua, Công an TP.Hải Phòng đã phát hiện và bắt giữ nhiều ổ nhóm, cơ sở sản xuất súng tự chế liên quan đến những chuyên án lớn."
Loại vũ khí được dân xã hội gọi là "sự hủy diệt".
Gặp kẻ “khai hỏa” súng tự chế
Dẫn chúng tôi xuống khu biệt giam của Trại tạm giam Công an TP.Hải Phòng, thượng tá, giám thị trại - Phạm Ngọc Tươi nói: "9 tử tù ở đây đều có những cái riêng biệt, nhưng đều mang dáng dấp của sự khởi nguồn một điều gì đó trong giới tội phạm. Trường là tử tù đầu tiên đưa súng tự chế vào "thanh toán" ân oán trong giang hồ ở Hải Phòng và cũng có lẽ là đầu tiên của cả nước.
Cũng như Vũ Văn Khanh là tử tù đầu tiên trong lịch sử tội phạm phẫu thuật thẩm mỹ để trốn nã...".
Giám thị trại còn cho biết thêm, vào thời điểm phạm tội, "thanh toán" nhau bằng súng tự chế đầu tiên, Trường là tên tội phạm có tuổi đời trẻ nhất ở Hải Phòng. Tính cả tuổi đời và tuổi giang hồ, Trường đã "qua mặt" được tất cả các đàn anh để trở thành tử tù "nhãi ranh" "khai hỏa" cho một trào lưu chết người - sử dụng súng tự chế.
Theo cán bộ quản giáo, Trường còn có biệt tài khác là trong quá trình trốn nã vẫn lấy vợ mới, có thêm con. Quản giáo phụ trách khu biệt giam cho biết: "Từ ngày ở phòng biệt giam đến khi PV vào thăm, lúc nào Trường cũng vui vẻ, cười nói.
Trường hiểu tội lỗi của mình là phải trả giá bằng mạng sống nên chấp nhận với thái độ vui vẻ và chấp hành tốt nội quy của trại. Đặc biệt hơn, 2 cô vợ của Trường rất đoàn kết, đến đợt thăm nuôi là đến trại, gặp gỡ, động viên Trường.
Lúc vợ có thai, Trường còn nhờ cán bộ điều tra, nhắn lại với vợ, đặt tên con là Lê Xuân Ánh Sáng vì "muốn con tỏa sáng, sống và làm việc phải sáng, không được như bố".
Hồ sơ của Trường rất dài. Cuộc truy bắt Trường cũng là một chuyên án đáng nhớ của Công an Hải Phòng. Vì Trường luôn có súng bên người nên mọi phương án bắt y đều được tính toán kỹ. "Đường" trốn nã của Trường cũng khá lắt léo. Trường không đến nhà người thân, không liên lạc về nhà mà áp dụng khá thành thạo triết lý "nơi sáng nhất là nơi tối nhất".
Trường trốn nã nhưng toàn ở những nơi đông đúc, sầm uất như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Trường sử dụng tên khác và không bao giờ kể chiến tích đã qua vì sợ lộ, sợ bị theo dõi. Quá trình trốn nã, Trường tiếp tục phạm tội để lấy tiền trang trải cho cuộc trốn chạy trường kỳ. Đặc biệt, cứ có tiền là Trường lại đến những tụ điểm ăn chơi để tán tỉnh và "yêu" các cô gái.
Gặp Trường trong phòng biệt giam, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là tử tù có khuôn mặt... cười. Thấy chúng tôi vào, thay cho lời chào, Trường cười rất tươi. Trong suốt cuộc trò chuyện, Trường đều cười.
Trường kể: "Khoảng giữa năm 2005, em đi Quảng Ninh chơi. Thực chất, lúc đó em đang trốn nã. Em lang thang ở biên giới thị xã Móng Cái (ngày ấy, Móng Cái vẫn chỉ là thị xã của Quảng Ninh - PV) cùng mấy thằng bạn cùng "nghề" như mình (cùng là tội phạm - PV), thấy người ta bán súng. Em đến xem, nghe bọn bạn nói và hướng dẫn cách sử dụng, thấy cũng dễ mà lại rẻ tiền, thế là mua luôn. Em mua khẩu súng bắn đạn hoa cải ấy có 2 triệu đồng. Quy ra vàng là gần 1, 5 chỉ. Em hỏi mấy đứa bạn: "có súng chưa? ".
Chúng nó nói: "Ở đây (tức Móng Cái, Quảng Ninh), "chiến” nhau phần lớn bằng dao, kiếm là chính". Em cũng không biết nó nói thế là đúng hay sai. Song, có lần, em chứng kiến "trận chiến" của chúng nó rồi. Cứ giáp lá cà, cầm dao, kiếm chém nhau như thời trung cổ, khác xa với cách "chiến" của giang hồ Hải Phòng. Em thích có một khẩu súng để bên người, thế là mua. Khi bị bắt, em thấy các anh công an giải thích đó là súng tự chế, thì em biết thế".
Theo đại tá Nguyễn Trường Sơn - trưởng phòng PC45, Công an TP.Hải Phòng, thời điểm Trường dùng súng, phần lớn đạn là đạn ghém. Lời khai của tội phạm sử dụng súng thể hiện rằng, chúng mua súng ở đâu thì mua đạn dự trữ kèm theo ở đó.
Chân dung gã "giang hồ nhãi ranh" "khai hỏa" súng tự chế.
Trường là tên tội phạm đầu tiên sử dụng súng tự chế giải quyết mâu thuẫn trong giới tội phạm ở Hải Phòng và có lẽ là của cả nước. Sau đó, giới tội phạm "học tập", chúng sử dụng súng tự chế thành "trào lưu". Đó là một "trào lưu" nguy hiểm và phải bị loại bỏ.
Sự "hủy diệt" kinh hoàng
Khi súng tự chế là thứ "đồ chơi" không thể thiếu của giới tội phạm, giang hồ và "dân xã hội", nhiều người cho rằng: Bắn vào chỗ "hiểm" mới chết, còn không, sự sát thương của súng tự chế "đơn giản", có thể cứu được. Suy nghĩ chủ quan đó làm người ta có phần "rộng lượng" với loại tội phạm nguy hiểm này.
Mới đây, một nạn nhân ở TP.Hồ Chí Minh, bị đạn chì của súng tự chế bắn vào mắt. Các bác sĩ không dám mổ, vì nếu mổ gắp đạn ra, khả năng nạn nhân bị mù sẽ rất cao. Sau một thời gian điều trị, các bác sĩ khẳng định, mắt bị hoại tử, chỉ còn 2/10 và không có khả năng phục hồi. Nạn nhân bị đạn chì từ súng tự chế "hủy diệt" đầu tiên vào năm 2001. Đó là một học sinh trường Tiểu học ở Đồng Nai. Em học sinh này bị viên đạn chì từ súng săn tự chế ghim vào mạng sườn. Sau 3 lần mổN, bác sĩ không lấy được viên đạn ra. Hiện tại, bề ngoài nhìn thấy học sinh này vẫn khỏe mạnh nhưng thực chất, em rất hay bị đau nhức mạng sườn và tức ngực, khó thở. |
Thực chất, súng tự chế hay súng quân dụng đều có sự "hủy diệt" đến kinh hoàng. Sự "hủy diệt" này phụ thuộc vào từng loại đạn mà kẻ dùng súng sử dụng nó để bắn vào đối phương.
Tài "phèo" - một tay giang hồ "có số" ở Quảng Ninh tiết lộ: "Đạn của súng tự chế là đạn sắt, ghém hay bi thì tính sát thương chỉ bình thường. Nếu đạn có chất liệu là chì thì tính sát thương được mang tên "hủy diệt", chất độc của chì lan trong máu rất nhanh...".
Im lặng hồi lâu, Tài "phèo" kể tiếp: "Năm ngoái, dân giang hồ dùng súng tự chế, đạn chì, "thanh toán" con của một người có vị trí trong xã hội ở Hà Nội. Sau khi bị "dính" đạn, nạn nhân được đưa ngay vào Bệnh viện 108 cấp cứu ban đầu. Rất nhanh sau đó, nạn nhân được đưa đi nước ngoài điều trị. Hai tháng điều trị bằng những công nghệ, thiết bị y tế hiện đại nhất, thế nhưng, nạn nhân vẫn bị tàn phế.
Theo phân tích của giang hồ thì do nạn nhân đã bị quá nhiều chì nhiễm thẳng vào mạch máu, làm tê liệt các hoạt động của thần kinh, hủy hoại nhiều cơ quan nội tạng...”.
Thông tin chúng tôi tìm hiểu được từ một bệnh viện tuyến TW về đạn chì của súng tự chế, quả thật kinh hãi. Bác sĩ Nguyễn Trần Đ, người chuyên cấp cứu nạn nhân nguy kịch ở khoa cấp cứu của bệnh viện B cho biết: "Có một nạn nhân người Phú Thọ được đưa xuống cấp cứu khẩn cấp. Từ lúc bị bắn, cho đến lúc nhập viện chưa đến 2 giờ đồng hồ, nhưng chất độc chì của đạn từ súng tự chế đã theo máu, lan nhanh trong cơ thể.
Sau khi hội chẩn, chúng tôi đưa ra các phương án cho gia đình lựa chọn, trong đó có phương án cưa chân. Gia đình không đồng ý, đề nghị bệnh viện cứu chữa bằng các biện pháp tích cực nhất. 3 giờ đồng hồ sau, gia đình đồng ý cưa chân thì không thể thực hiện được nữa...".
Hậu quả, nạn nhân người Phú Thọ kia bị liệt chân. Ngoài ra, bác sĩ Đ còn kể vài trường hợp khác nữa, liên quan đến sự "hủy diệt" của đạn chì.
V.hoàng - H.Anh
Kỳ 2: Thất kinh với công nghệ chế tạo súng, đạn thủ công