Năm nay, lễ hội Tháp Bà diễn ra từ ngày ngày 10 đến 13-4 (tức từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch) và sáng ngày 21-4 lễ hội đã chính thức khai mạc.
Lễ hội Tháp Bà là lễ hội cấp quốc gia duy nhất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, được tổ chức hàng năm nhằm tế Bà Thiên Y Thánh Mẫu. Lễ tế diễn ra với nhiều nghi thức như lễ mộc dục (tắm tượng), tế chánh, thứ lễ, tôn vương, múa bóng…
Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động mang tính hội nhằm phục vụ khách hành hương như thi lấy nước dâng Mẫu, thi kết hoa dâng Mẫu… và các trò chơi dân gian.
Trong các ngày diễn ra lễ hội, các đoàn tín ngưỡng và người dân hành hương về lễ hội thành kính dâng hương, dâng hoa, hát văn, múa bóng, múa lân, hát tuồng để ca ngợi công đức của Mẫu, thể hiện tấm lòng thành kính hướng về mẹ.
Nét độc đáo ở lễ hội chính là sự giao thoa giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với đạo phật. Các nghi lễ như: lễ cầu siêu các vong hồn sĩ tử, lễ cầu quốc thái dân an, lễ thả hoa đăng trên sông Cái…
Để kịp về dâng Mẫu, từ nhiều ngày trước, hàng chục ngàn khách hành hương ở Khánh Hòa và các địa phương khác như Thừa Thiên Huế, Đà Nẳng, Gia Lai, Đăk Lăk, Ninh Thuận, Bình Thuận… đã có mặt ở khu di tích Tháp Bà Ponagar.
Vượt dặm đường xa xôi về với lễ hội, họ tâm nguyện “về với Mẫu và thành kính dâng lên Mẫu những lễ vật giản dị để cầu mong Mẫu ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Về với Mẫu cũng là dịp để tưởng nhớ đến công đức của ông bà, cha mẹ”.
Đến với lễ hội Tháp Bà, người Chăm thường đi theo từng nhóm gia đình nhỏ, sinh sống trong một làng và tập hợp nhau lại để cùng về lễ Mẫu. Lễ vật của người Chăm chính là những sản vật do bàn tay họ trồng trọt, chăn nuôi, gói gọn trong đó những tình cảm chân thành và thiêng liêng nhất.
Theo Ban tổ chức, lễ hội Tháp Bà năm nay có khoảng hơn 50 ngàn lượt người dân, du khách, khách hành hương đến tham dự.
Hoàng Thiên Lý