Chùa Keo tên chữ là Thần Quang Tự. Chùa xây dựng vào năm 1632 (thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII) là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, độc đáo. Chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình, với 157 gian trên khu đất rộng 58.000 m2. Chùa Keo ngoài thờ Phật còn thờ Thánh (tiền Phật, hậu Thánh). Vị thánh được thờ là Thánh tổ Dương Không Lộ, một nhà sư thời Lý có hiểu biết sâu sắc về Phật học.
Chùa Keo với kiến trúc cổ gần 400 năm, được đánh giá là 1 trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam. Hiện nay, khu di tích chùa Keo có diện tích 41.561,9 m2, gồm 17 công trình với 128 gian, được xây dựng cân đối theo lối kiến trúc đặc trưng “Nội công ngoại quốc.
Công trình kiến trúc nổi tiếng gác chuông chùa Keo là một công trình nghệ thuật bằng gỗ độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời hậu Lê. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn, gác chuông cao 11,04m, có 3 tầng mái, kết cầu bằng những con sơn chồng lên nhau.
Tầng 1 treo 1 khánh đá dài 1,20m, tầng 2 có quả chuông đồng cao 1,30 m đường kính 1m đúc vào thời Lê Hy Tông năm 1686, tầng ba và tầng thượng treo chuông nhỏ cao 0,62m, đường kính 0,69m đúc năm 1796.
Bên cạnh đó, đáng chú ý, tam quan nội là bộ cánh cửa gian trung quan chạm rồng chầu - một kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỷ XVII. Từ tam quan nội, qua một số sân nhỏ rộng ta đến khu chùa Phật gồm chùa ông Hộ, tòa thiêu hương (ống muống) và điện Phật.
Khu chùa Phật là nơi tập trung nhiều nhất các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao vào thế kỷ 17, 18 đó là tượng Tuyết Sơn, La Hán, Quan Thế Âm Bồ Tát...
Hội Xuân chùa Keo năm 2019 sẽ có nhiều lễ thức, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, đậm chất văn hóa, mang tính cố kết cộng đồng, như: Nghi thức khai chỉ mở của đền Thánh; Lễ dâng hương đền Thánh; thổi cơm thi; thi bắt vịt và chuỗi hoạt động của chương trình tế lễ đầu năm.
Ông Đặng Hồng Kha - Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư, cho biết: Lễ hội mùa Xuân năm 2019, công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn trước, trong và sau lễ hội được chính quyền các cấp quan tâm, có kế hoạch thực hiện chu đáo.
Đặc biệt, công tác phòng chống cháy nổ nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, đảm bảo an toàn khuôn viên di tích, khu nội tự được ban tổ chức lễ hội đặc biệt quan tâm, đã tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, quản lý các hoạt động diễn ra trong lễ hội.
Hội chùa Keo mùa Xuân năm nay diễn ra trong vòng 1 ngày (8/2), tuy nhiên các hoạt động tế lễ vẫn được ban trị sự chùa Keo thực hiện trong nhiều ngày sau nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, chiêm bái đầu năm của du khách, tăng ni, phật tử, tín đồ Phật giáo, nhân dân trong và ngoài tỉnh khi về di tích chùa Keo.
Theo ông Kha, lễ hội chùa Keo là hoạt động nhằm tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ (1016-1094) và những người có công xây dựng chùa. Đồng thời là dịp để các tầng lớp nhân dân tỉnh Thái Bình quảng bá du lịch; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, nhu cầu tham quan và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc điêu khắc độc đáo của di tích cho du khách thập phương. Qua đây cũng nhằm xây dựng ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.
Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, năm 2012, quần thể chùa Keo được công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ngày 23/1/2017, Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định số 217 ghi danh lễ hội chùa Keo (Thái Bình) là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Mỗi năm, tại đây có 2 lần mở hội: hội Xuân vào ngày mồng 4 tết Nguyên Đán và hội mùa Thu (lễ hội chính), từ ngày 13 đến ngày 15/9 (Âm lịch).
Sáng nay, 8/2 (mùng 4 Tết), tại khu di tích cấp quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), UBND huyện Vũ Thư đã tổ chức khai mạc lễ hội Xuân chùa Keo - di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2019 với sự tham dự của đông đảo người dân địa phương, tín đồ phật tử và du khách thập phương.