Ngày 11/9, Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long phối hợp Hiệp hội gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long tổ chức khai mạc con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long năm 2023. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ “Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023”.
Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long nằm trên đường nối giữa đường Phạm Hùng với đường Võ Văn Kiệt, phường 9, Tp.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long với gần 2.500 sản phẩm đến từ 16 doanh nghiệp sản xuất gạch gốm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tham gia.
Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long là công trình, sự kiện quan trọng nhằm quảng bá sản phẩm, tác phẩm gốm, bảo tồn và khai thác các lò gạch truyền thống hiện có trên địa bàn huyện Mang Thít - nơi làm nền tảng, điểm nhấn để phát triển du lịch, cũng như bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, dòng phù sa tụ lại Vĩnh Long đã đem đến cho vùng đất và người dân cần cù nơi này những mỏ đất sét quý giá, tạo thành nghề sản xuất gạch gốm đã có trên 100 năm.
Trở về những năm 1980, cả vùng có gần 3.000 lò gạch trải dài gần 30 km thuộc huyện Long Hồ và Mang Thít. Gốm Vĩnh Long đã xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như EU, Hoa Kỳ, Châu Úc, Đài Loan, HongKong, Hàn Quốc, Nhật Bản,… rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, từ những năm 2010 trở lại đây, khi đổi mới công nghệ từ lò nung tròn sang lò nung liên hoàn, cải thiện quy trình sản xuất, thân thiện với môi trường, quy mô và công suất hoạt động không còn lớn như trước đây. Hiện, toàn tỉnh còn hơn 20 doanh nghiệp sản xuất gốm, sản lượng trung bình đạt khoảng 5 triệu sản phẩm, ước giá trị mang lại khoảng 400 tỷ đồng/năm.
“Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023” được tổ chức từ ngày 11 - 17/9, tại đường Võ Văn Kiệt, Tp.Vĩnh Long với quy mô khoảng 300 đơn vị tham gia của hơn 30 tỉnh, thành phố của cả nước.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo này, tỉnh Vĩnh Long đã thống nhất xây dựng đề án “Di sản đương đại Mang Thít”.
Sắp tới, khi hoàn thiện sẽ giúp người dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần phát triển ngành du lịch, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Làng gạch gốm Vĩnh Long đã tồn tại hơn 100 năm với gần 1.500 lò gạch trải rộng trên diện tích gần 3.000 ha thuộc địa phận huyện Mang Thít, một phần của huyện Long Hồ và Tp.Vĩnh Long. Sản phẩm đặc sắc này đã tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo.
Trọng Nghĩa