Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Vietnam ICT Summit là một sự kiện quan trọng, là cơ hội để thảo luận xu hướng, tầm nhìn, giải pháp nhằm phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước: "Diễn đàn năm nay bàn về việc phát huy vai trò của CNTT trong nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung vào các vấn đề xây dựng hạ tầng thông tin quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cải cách thể chế, đẩy mạnh cải cách giáo dục đào tạo - đây là những vấn đề đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm giải quyết".
Có mặt tại Vietnam ICT Summit 2013, ông Yukio Hatoyama, nguyên Thủ tướng Nhật Bản và hiện là Chủ tịch Viện Cộng đồng Đông Á, đã chia sẻ bài học thành công của nước này khi đề cao vai trò của công nghệ thông tin trong chiến lược phát triển kinh tế. "Sau khi tuyên thệ không bao giờ tiến hành chiến tranh, Nhật Bản đổ nguồn lực vào phát triển kinh tế. Không nói quá rằng chuyên môn công nghệ chính là động cơ dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, nhanh chóng biến Nhật Bản thành một trong các nước dẫn đầu công nghệ thế giới", ông Hatoyama nhấn mạnh.
Trong năm 2006, khi các mục tiêu chính của chiến lược Nhật Bản điện tử về cơ bản đã được thực hiện, chính phủ đề xuất chiến lược u-Japan với mục tiêu chuyển từ hạ tầng chủ yếu dựa trên dịch vụ hữu tuyến sang tạo ra mạng phổ cập kết nối liền mạch dịch vụ hữu tuyến và vô tuyến. Chữ u trong u-Japan không chỉ là phổ cập (ubiquitous) mà còn là phổ quát (universal), hướng người dùng (user-orientated) và độc đáo (unique). Phổ cập có nghĩa là CNTT-TT kết nối mọi ngõ ngách của cuộc sống hàng ngày, tạo ra xã hội kết nối nơi mà mọi công dân truy nhập mạng mọi lúc mọi nơi và từ bất cứ thiết bị nào. Hơn nữa, chính sách nhằm tạo ra mạng phổ quát, trong nghĩa thúc đẩy tương tác người với người, hướng người dùng theo nghĩa tính đến viễn cảnh của họ và độc đáo trong nghĩa thúc đẩy sức sống cá nhân. Các chính sách này đã tạo ra giá trị mới ở Nhật Bản.
Nguyên Thủ tướng Nhật cho rằng trong lĩnh vực CNTT-TT, điều quan trọng hiện nay đối với Việt Nam là đầu tư tài nguyên vào phát triển nguồn nhân lực sao cho trong tương lai gần, người dân với chính đôi tay mình có thể hiện thực hóa một xã hội mạng phổ cập. "Rõ ràng rằng, đào tạo số lớn kỹ sư CNTT -TT là hết sức quan trọng cho cả phát triển tương lai của Việt Nam cũng như cho công dân được sống với phong cách tiện nghi thoải mái", ông Hatoyama nói. "CNTT-TT không còn nghi ngờ gì nữa sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ trong thúc đẩy hoạt động xuyên biên giới mà còn tăng cường hơn nữa cộng đồng này. Đó là lý do tại sao Diễn đàn cấp cao hôm nay là đặc biệt quan trọng. Tôi hy vọng có một ngày, tất cả khu vực Đông Á cuối cùng sẽ được liên kết trong một cộng đồng duy nhất".
Trong khi đó, PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm VINASA, nhấn mạnh: "Mục tiêu của ICT Summit 2013 là góp phần đổi mới tư duy, tăng cường nhận thức sâu sắc hơn ở các cấp, các ngành và toàn xã hội về quan điểm xác định CNTT là nền tảng cho phương thức phát triển mới, có tính tất yếu, hướng đến một xã hội tri thức, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần tạo sự tăng trưởng nhanh và bền vững. Ứng dụng CNTT phải là yêu cầu bắt buộc trong mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư; trước mắt là trong cải cách hành chính, giao thông, y tế, giáo dục, phát triển đô thị. Những yêu cầu này phải được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật. Đây là con đường ngắn nhất để các nước đi sau như Việt Nam có cơ hội đuổi kịp các quốc gia phát triển".
> Tin công nghệ hấp dẫn tại TechZ
> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng
Thu Hằng (Theo VnExpress)