Sáng 13/11, Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt – Trung đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ X năm 2023, do UBND Tp.Hà Nội chủ trì được tổ chức trong 2 ngày 13 và 14/11/2023, với chủ đề: “Mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố hành lang kinh tế Việt - Trung nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới”.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành trung ương; các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái (của Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); đại diện các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu,... của Việt Nam và Trung Quốc.
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả những nội dung đã triển khai hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Trung Quốc dọc tuyến hành lang kinh tế Việt - Trung (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) từ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ 9 (2019) đến nay.
Đồng thời trao đổi về những khó khăn, thách thức và đưa ra giải pháp nhằm tăng cường thúc đẩy, triển khai thực hiện chính sách, hoạt động hợp tác, liên kết cùng có lợi giữa các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế; góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung, tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới, thiết thực và hiệu quả.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội bày tỏ niềm vinh dự khi Thủ đô Hà Nội là địa phương đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung lần thứ X.
“Hội nghị hướng tới mục tiêu tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các địa phương, đề ra các nội dung hợp tác thực chất, có tính khả thi cao, phù hợp với yêu cầu phát triển và tiềm năng, lợi thế của các bên”, ông Thanh cho biết.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Việt Nam nhất quán xác định hợp tác hữu nghị giữa các địa phương hai nước là bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Đặc biệt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm và đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho các địa phương khu vực phía Bắc phát triển nhanh, bền vững và tăng cường hợp tác với các địa phương của Trung Quốc, trong đó có tỉnh Vân Nam.
Dù hai bên còn nhiều việc phải làm, có những khó khăn, thách thức phải vượt qua nhưng Phó Thủ tướng tin tưởng Việt Nam và Trung Quốc có cơ sở vững chắc và đang đứng trước những cơ hội lớn để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong hành lang kinh tế 5 tỉnh thành phố Việt-Trung, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và không gian hợp tác giữa hai bên.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng gợi mở một số ý kiến để Hội nghị cùng trao đổi. Một là, các địa phương cần quyết tâm cao hơn nữa, chủ động và sáng tạo hơn nữa để góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao;
Nỗ lực không ngừng để củng cố, vun đắp cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ngày càng bền vững.
Hai là, cần hết sức chú trọng nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đi đôi với việc cùng nghiên cứu, trao đổi để thiết lập các khuôn khổ, mô hình hợp tác mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện và ưu tiên phát triển của các địa phương hai bên, nhằm tạo ra những bước đột phá trong hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư;
Đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ và đường sắt khu vực biên giới; mở rộng hợp tác văn hóa - du lịch; đẩy mạnh giao lưu nhân dân giữa các địa phương, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
Ba là, tăng cường hợp tác để quản lý tốt và sử dụng an toàn, hiệu quả, bền vững nguồn nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; bảo đảm sinh kế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân hai bên.
Bốn là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị; đẩy nhanh việc mở mới, nâng cấp một số cửa khẩu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cho từng thời kỳ; Tạo thuận lợi hơn nữa cho nhân dân khu vực biên giới an cư, lạc nghiệp và tăng cường giao thương.
Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ X năm 2023 được xem là sự kiện đối ngoại lớn của Tp.Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đã và đang tích cực triển khai Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Trần Quốc Phương, trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã cung cấp cho Việt Nam các khoản vay tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại để triển khai dự án trong các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, y tế, văn hoá, giáo dục… đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Nguyễn Minh Vũ cho rằng hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh thuộc khuôn khổ hợp tác "Hai hành lang, Một vành đai kinh tế" là cơ chế hợp tác có tính chất liên vùng và xuyên quốc gia;
Nhằm tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương dọc theo tuyến hành lang kinh tế, đồng thời giúp lan tỏa tới các địa phương khác thuộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc, hướng tới mục tiêu chung là cùng có lợi, cùng phát triển bền vững.
Thu Hương