Phiên họp mở rộng Hội đồng Kinh doanh GMS 6 diễn ra sáng 30/3 với chủ đề 'Triển vọng kinh tế GMS và các động lực kinh tế mới”.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Chung một dòng sông – con sông Mê Kông huyền thoại - là số phận đã gắn bó chúng ta. Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, sáu quốc gia trải dài theo dòng sông này qua bao thế hệ. Chúng ta tự hào được sinh ra ở nơi đây. Một khu vực trù phú, giàu tiềm năng, đa văn hóa, điểm kết nối giữa các nền kinh tế lớn: ASEAN, Trung Quốc, và Ấn Độ.
Với nỗ lực của các quốc gia thành viên và sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, nhiều chương trình hợp tác GMS đã được hình thành.
Chuỗi giá trị GMS đang rộng mở. Một phần tư thế kỷ qua đi kể từ khi chương trình hợp tác kinh tế GMS được khởi động, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực cải cách và kỳ tích phát triển ở khu vực này. Kỳ tích quan trọng nhất, tôi nghĩ, đó là quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, gắn liền với những thành công trong xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bùng nổ của khu vực kinh tế tư nhân GMS 2018”.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: "Với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng, với nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào, với công cuộc cải cách, hội nhập đang diễn ra sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang tràn tới, chúng ta có lợi thế phát triển trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và có thể trở thành bếp ăn của thế giới. Chúng ta cũng có thể trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới, với lợi thế lao động còn rẻ và cơ cấu dân số trẻ...
Thách thức lớn nhất của các nền kinh tế GMS về chất lượng thể chế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là phải vươn tới chuẩn mực quốc tế để có thể kết nối vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Động lực của sự phát triển trong khu vực GMS trong thời gian tới sẽ phải là tinh thần khởi nghiệp, là sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ...”.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng rằng, cộng đồng doanh nghiệp GMS sẽ ngày càng vững vàng và lớn mạnh, sẽ luôn khẳng định vai trò dẫn dắt, triển khai các hoạt động kết nối, hợp tác trong khối GMS.
“Tôi cũng mong muốn rằng các chương trình của Hội đồng kinh doanh GMS sẽ ngày càng hấp dẫn, thiết thực, tạo sự gắn kết mật thiết giữa các doanh nghiệp các quốc gia GMS, giữa doanh nghiệp và Chính phủ, mang đến những tác động lớn và nổi bật đối với cộng đồng doanh nghiệp GMS nói riêng và sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực GMS nói chung”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ngài Oudet Souvannavong, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS cho biết: Hợp tác GMS đẩy mạnh kết nối, thông qua các kế hoạch kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa hành lang kinh tế kinh doanh, đẩy mạnh sự tham gia của các quốc gia. Thành viên GMS coi trọng việc thúc đẩy hơn các dự án viện trợ kỹ thuật, tạo ra sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp trong khu vực.
Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh GMS Oudet Souvannavong khẳng định, Hội đồng Kinh doanh GMS đang đối mặt với những thách thức và cơ hội, vì thế cần đẩy mạnh mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới, chuẩn bị những kế hoạch hợp tác kinh tế mới, giảm hàng rào thương mại, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại.