Dư luận vẫn chưa hết "nóng" vụ ông Nguyễn Thế Hệ, Phó chủ tịch HĐND xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh khai man tuổi mẹ ruột để được hưởng chính sách trợ cấp người cao tuổi suốt 6 năm qua. Khi bị phát giác, vị Phó chủ tịch HĐND xã đã khai tử mẹ vì sợ bị truy thu tiền.
Theo đó, vào năm 2011, trong thời gian làm xã đội trưởng kiêm cán bộ chính sách xã, ông Hệ đã tự ý khai man tuổi của mẹ mình là bà Hoàng Thị Thao từ sinh năm 1939 thành sinh năm 1930 để được hưởng trợ cấp người cao tuổi theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2016, gia đình ông Hệ đã nhận tiền trợ cấp sai quy định trong suốt 72 tháng, với số tiền hơn 14 triệu đồng nhưng cơ quan chức năng không hay biết.
Đến tháng 3/2017, sự việc sai trái của vị cán bộ xã này được công dân của xã Thạch Điền phát hiện và tố giác.
Sự việc vỡ lở, lo sợ bị truy thu số tiền hưởng sai, ông Nguyễn Thế Hệ đã làm giấy khai tử cho mẹ mình, đồng thời làm giấy đề nghị thôi trả chế độ bảo trợ cho bà Hoàng Thị Thao từ tháng 4/2017.
Trả lời báo chí, ông Lê Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thạch Điền cho biết, sự việc vẫn đang được Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Thạch Hà kiểm tra, xác minh. Khi có kết luận, ai sai đến đâu sẽ có hình thức xử lý đến đó.
Hiện, UBND huyện Thạch Hà đã ban hành quyết định truy thu số tiền mà bà Hoàng Thị Thao hưởng sai chế độ.
Để tìm hiểu những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này, báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
Luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn quy định của Điều 17, luật Người cao tuổi. Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội bao gồm:
1. Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng những người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng.
2. Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Cũng theo luật sư Cường thì có thể thấy ông Hệ đã lợi dụng quy định này của pháp luật để khai man tuổi của mẹ nhằm hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
"Nếu sự việc là thật, dù có biện giải thế nào thì cũng không thể giúp ông Hệ chối cãi được hành vi vừa vi phạm pháp luật vừa vi phạm đạo đức gia đình. Chưa kể ông Hệ còn là một cán bộ Nhà nước, nghĩa là vụ việc này ngoài phạm vi gia đình còn là vấn đề xã hội, khiến cho sự tin tưởng và lòng dân đối với chính quyền bị lung lay.
Các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xác minh, làm rõ hành vi của ông Hệ và những người có trách nhiệm liên quan, từ đó đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp hoặc có biện pháp xử lý vi phạm hành chính, khởi tố hình sự nếu có căn cứ", luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Liên quan đến việc các cán bộ xã không phát hiện ra vụ việc liệu có bị xử lý, luật sư Cường cho hay: "Nếu ông Hệ khai man tuổi cho mẹ để hưởng tiền trợ cấp người cao tuổi và các cán bộ đã thiếu trách nhiệm để xảy ra sự việc này trong khoảng thời gian dài thì tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi có thể bị xem xét kỷ luật".
Cụ thể, Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/03/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức thì các cán bộ, công chức vi phạm các quy định của pháp luật sẽ phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương; hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc.
"Nếu ông Hệ là Đảng viên thì còn có thể bị xử lý theo quy định về xử lý kỷ luật Đảng viên", luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì hành vi khai báo gian dối hoặc giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; biện pháp khắc phục hậu quả là kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi các quyết định hưởng chính sách đối với hành vi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên (điểm a, khoản 2, Điều 4).
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp không đúng đối tượng bảo trợ xã hội có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên (điểm c, khoản 1, Điều 7).
"Nếu hành vi của ông Hệ có dấu hiệu khai báo gian dối, làm giả hồ sơ, lừa dối cơ quan có thẩm quyền để hưởng chế độ trợ cấp thì tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả nghiêm trọng của hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 267, Bộ luật Hình sự hiện hành", luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Việt Hương