Năm 1957, trong khi làm việc tại công trình xây dựng ở Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc, một nhóm công nhân đã tình cờ phát hiện ra ngôi mộ cổ nghìn năm. Đội trưởng nhóm công nhân lập tức báo với chính quyền địa phương. Sau đó một nhóm các nhà khảo cổ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tiến hành khai quật.
Sau khi kiểm tra, các nhà khảo cổ xác định ngôi mộ này có niên đại từ thời Bắc Chu, nhà Tùy (581-619). Theo cách bài trí và đồ tùy táng thì chủ nhân ngôi mộ hẳn là người trong hoàng tộc. Hầm mộ hình chữ nhật chỉ sâu 2,9m, kích thước miệng hố là 6,05m × 5,1m và kích thước đáy là 5,5m × 4,7m.
Qua quá trình xác minh, các nhà khảo cổ cho biết chủ nhân của ngôi mộ là Lý Tĩnh Huấn, 9 tuổi, là con gái của Lý Mẫn, thuộc một gia tộc họ Lý hiển hách thời nhà Tùy. Vào thời nhà Tùy, ngoài gia tộc của Hoàng đế Dương Kiên ra thì gia tộc họ Lý này thuộc vào dòng tộc quyền thế nhất.
Lý Mẫn là người học rộng tài cao, tinh thông cầm nghệ, được Tùy Văn Đế Dương Kiên yêu quý. Vì thế Lý Mẫn được vua Dương Kiên đồng ý gả con gái cho. Về sau ông kế tục phụ thân làm Thượng Trụ quốc, đồng thời được phong làm Quang Lộc đại phu, nhờ vậy mà gia tộc họ Lý ngày càng hiển hách, thịnh vượng.
Một năm sau, con gái Lý Mẫn là Lý Tĩnh Huấn ra đời. Lý Tĩnh Huấn cũng là cháu ngoại của Dương Lệ Hoa (561 - 609), hoàng hậu của Bắc Chu Tuyên Đế Vũ Văn Uân, về sau là Lạc Bình công chúa của nhà Tùy.
Lý Tĩnh Huấn được Lý Mẫn và gia tộc họ Dương coi là hòn ngọc quý trên tay, vô cùng chiều chuộng. Tuy nhiên, năm 9 tuổi, Lý Tĩnh Huấn không may mắc trọng bệnh rồi qua đời.
Theo sử liệu, sau khi Lý Tĩnh Huấn qua đời, Dương Lệ Hoa là người đau buồn nhất. Bà đã hạ chỉ lấy nghi lễ Hoàng gia để hậu táng cho cháu gái. Hoàng hậu Dương Lệ Hoa thậm chí đã lệnh cho chôn cất Lý Tĩnh Huấn bằng một quan tài to hơn của Hoàng đế Tùy Văn Đế Dương Kiên.
Chiếc quan tài được Hoàng hậu Dương Lệ Hoa thuê một nghệ nhân nổi tiếng lúc bấy giờ chế tạo một cách khéo léo, mang phong cách hoàng gia. Mái vòm của quan tài được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ. Khi các nhà khảo cổ phát hiện, họ nói rằng giá trị của chiếc quan tài này là không thể đong đếm.
Trong chiếc quan tài, các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra một lượng lớn các vật dụng quý giá. Đa số là trang sức được thiết kế tinh xảo, đặc biệt là chiếc vòng cổ được làm bằng đá quý ngọc trai. Bên cạnh đó, có rất nhiều viên ngọc quý khiến các nhà khảo cổ bị sốc vì giá trị không thể ước tính được. Hiện tại, chiếc vòng cổ quý giá này đang được lưu giữ tại bảo tàng quốc gia Trung Quốc.
Ngoài ra, có một báu vật được tìm thấy trong lăng mộ đó là chai thủy tinh hình bầu dục khiến các nhà khảo cổ vô cùng ngạc nhiên vì công nghệ thổi thủy tinh thời cổ đại không gì so sánh được.
Tuy nhiên, sau tất cả có một sự việc khiến mọi người rùng mình đó là khi các chuyên gia mở chiếc quan tài thì hoảng hốt phát hiện trên nắp quan tài có khắc 4 chữ "Khai giả tức tử", tức “Ai mở ra sẽ chết”.
Người xưa cho rằng khắc lời nguyền trên quan tài sẽ khiến những kẻ trộm mộ không dám trộm đồ bên trong. Đó có lẽ là lý do tại sao ngôi mộ này đã tồn tại hơn 1.400 năm mà không bị mộ tặc ghé thăm.
Được biết, sau khi thảo luận, các chuyên gia đã quyết định chuyển chiếc quan tài này về bảo tàng để bảo tồn. Hiện chiếc quan tài này vẫn chưa được mở và đang được bảo tồn ở Nhà Bảo tàng Bi Lâm Tây An.
Minh Hoa (t/h)