Theo Live Science, Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra ngôi mộ 3.800 năm tuổi của một người phụ nữ khoảng 20 tuổi tại Tübingen, Đức. Bên trong ngôi mộ, các nhà khảo cổ học chỉ tìm thấy một món đồ chôn cất duy nhất - một sợi dây vàng xoắn ốc có thể đã được sử dụng làm đồ trang trí tóc.
Đây được coi là hiện vật vàng lâu đời nhất được tìm thấy ở phía tây nam nước Đức.
"Chiếc nhẫn vàng chứa khoảng 20% bạc, chưa đến 2% đồng và có dấu vết của bạch kim và thiếc. Hợp kim vàng này trùng khớp với vàng của vùng Cornwall ở Tây Nam Vương quốc Anh. Theo đó, số vàng này có thể bắt nguồn từ khu vực gần sông Carnon, nơi đã từng sản xuất ra một lượng đáng kể loại kim loại quý được ưa chuộng nhất này.
"Những phát hiện về kim loại quý từ thời kỳ này rất hiếm ở Tây Nam nước Đức. Phát hiện vàng từ quận Tübingen là bằng chứng cho thấy các nhóm văn hóa phương Tây đã có ảnh hưởng ngày càng tăng đối với Trung Âu trong nửa đầu thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên", các nhà nghiên cứu cho biết trong tuyên bố.
Người phụ nữ được chôn trong tư thế bào thai quay mặt về phía nam, không xa khu định cư trên đỉnh đồi thời tiền sử, nơi người ta đã tìm thấy những ngôi mộ khác.
Các nhà nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào về bất kỳ thương tích hay bệnh tật, vì vậy họ không biết người phụ nữ đã chết vì lý do gì, Raiko Krauss, một giáo sư tại Viện Khảo cổ học thời tiền sử và trung cổ thuộc Đại học Tübingen nói với Live Science.
Krauss và Jörg Bofinger, một nhà bảo tồn thuộc Văn phòng Quản lý Di sản Văn hóa Nhà nước Baden-Württemberg, đã chỉ đạo việc khai quật ngôi mộ.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hiện vật làm bằng vàng cho thấy người phụ nữ này có thể có địa vị xã hội cao. Họ đã tiến hành định tuổi bằng cacbon phóng xạ trên hài cốt của người phụ nữ này và phát hiện ra rằng người phụ nữ đã chết vào khoảng thời gian giữa năm 1850 TCN và 1700 TCN.
Vào thời điểm đó, chữ viết vẫn chưa lan rộng đến tây nam nước Đức nên không có bất kỳ ghi chép nào có thể giúp xác định người này là ai.
Hải Vân