Vì cùng chôn cất người thân ở khu vực rìa cánh đồng của làng, lụt lội khiến nấm mồ bị mất đánh dấu. Khi khó khăn, con cháu mải miết làm ăn chưa có điều kiện xây “nhà mới” cho các cụ. Đến lúc có của ăn của để, con cháu mới nghĩ đến việc này thì lại vấp phải sự phản đối của dòng họ khác…
Hai họ cùng nhận 1 ngôi mộ?
Trò chuyện với PV, ông Đỗ Hồng Tính (70 tuổi, trú tại một xã của huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) cho biết, cụ thân sinh ra ông là cụ Đỗ Hồng Quảng mất năm 1975, cải táng năm 1978. Còn người hàng xóm của ông là Phạm Đức Đạt (65 tuổi), có cụ thân sinh là Phạm Đức Huân, mất năm 1983, cải táng năm 1986.
Hai cụ được chôn gần nhau ở rìa cánh đồng gần sông. Những năm tháng chiến tranh phá hoại, phần mộ của hai cụ cùng nhiều phần mộ của những người khác phần nào bị ảnh hưởng. Mỗi lần như thế, con cháu lại ra vun đất theo trí nhớ để thắp nhang cho các cụ.
Đến năm 1993, gia đình ông Tính mang gạch ra dự định xây cho cụ Quảng “ngôi nhà mới” để tiện bề trông nom hương khói. Hay tin, gia đình nhà ông Đạt cũng kéo tới, yêu cầu ông Tính dừng việc xây dựng này vì đó là phần mộ của cụ Huân. Hai bên đều đưa ra lý lẽ chắc nịch về việc đó là phần mộ của cha ông mình. Không bên nào chịu nhường bên nào.
Vì đã “động cuốc, động xẻng” nên phần mộ chưa xác định vẫn hoàn thành việc xây cất. Sau lần đó, hai dòng họ Đỗ và Phạm vẫn thường xuyên nhang khói ở khu mộ này vào những ngày lễ tết và ngày giỗ của hai cụ. Tuy nhiên, bằng mặt mà không bằng lòng, dòng họ nào cũng đinh ninh rằng đó là mộ của cụ nhà mình nên đều có tính toán riêng.
Dịp cuối năm 2016, khi bắt đầu bước vào thời điểm cải táng theo phong tục địa phương, dòng họ Đỗ đã “đánh úp” dòng họ Phạm khi trong đêm, khai quật phần mộ đang tranh chấp đưa về khu nghĩa trang của dòng họ để an táng. Vụ việc được dòng họ Phạm phát hiện và trình báo với chính quyền địa phương.
Chính quyền địa phương đã mời công an huyện vào cuộc điều tra, làm rõ. Làm việc với cơ quan công an, dòng họ Đỗ cho biết đó là phần mộ của cụ nhà mình nên tiến hành cải táng, đưa về nghĩa trang của gia đình là chuyện đương nhiên. Trong khi đó, dòng họ Phạm cho rằng, phần mộ đó là của họ Phạm, dòng họ Đỗ tự ý khai quật mồ mả là đã vi phạm pháp luật, đề nghị cơ quan công an xử lý nghiêm.
Không phải của họ Phạm, cũng chẳng phải của họ
Đỗ Trong gần 30 năm cùng nhau nhang khói cho phần mộ tổ chung, có nhiều câu chuyện bi hài mà 2 dòng họ gặp phải. Như vào ngày rằm, ngày lễ, người trong 2 dòng họ phải “canh” để đến đúng giờ tốt mang lễ ra thắp nhang cho cụ tổ. Có lần, trong tiệc cưới, 2 người trong họ Đỗ, Phạm đã xảy ra cãi vã dẫn đến đánh nhau. Gia chủ phải hết lời khuyên giải.
Ngoài chuyện xích mích giữa 2 dòng họ, câu chuyện tranh giành mộ tổ này còn là đề tài bàn tán cho nhiều dòng họ khác. Họ hay tếu táo “mộ tổ không thờ, đi thờ tổ mối” khiến những người trong cả hai họ đều nóng mặt.
Qua thời gian dài, những người trong 2 dòng họ đều muốn giải quyết dứt điểm vụ việc, đúng phần mộ của họ nào thì họ ấy thờ tự, không có cái kiểu thờ chung một họ như hiện nay. Vụ việc càng trở nên nóng hơn khi họ Đỗ cải táng một cách âm thầm. Chính quyền địa phương phải mời cơ quan công an vào cuộc.
Trước vụ việc khá hy hữu này, cơ quan công an huyện đã mời Viện khoa học hình sự, Bộ Công an về tiến hành xác định ADN để xác định người trong phần mộ là thuộc dòng họ nào. Hai dòng họ đồng ý và tạo điều kiện cho cơ quan chức năng tiến hành làm việc.
Sau hai tháng, Viện khoa học hình sự, Bộ Công an đã có kết luận về việc giám định ADN. Theo đó, người nằm trong mộ không phải là cụ Quảng, bố của ông Tính nhưng cũng không phải là cụ Huân, bố của ông Đạt.
Viện khoa học hình sự, Bộ Công an khẳng định việc giám định này là hoàn toàn chính xác. Trước thông tin bất ngờ này, cả 2 dòng họ đều ngã ngửa. Hóa ra người nằm dưới mộ không phải là người thân của họ nhưng gần 30 năm qua, cả 2 dòng họ đều đã nhận nhầm!.
Ngay sau đó, UBND xã yêu cầu ông Tính phải đưa hài cốt đã khai quật về an táng tại nghĩa trang của thôn để xác định thân nhân của người đã khuất. Sau vụ việc, ông Tính băn khoăn không biết việc làm của mình và dòng họ mình có vi phạm pháp luật hay không khi vô cớ xây dựng mộ mới và di chuyển mộ của người khác về nghĩa trang của gia đình mình?.
Luật sư tư vấn
Luật sư Nguyễn Hồng Nhung, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ, tâm lý của con cháu là mong muốn hương khói cho các cụ đến nơi đến chốn. Vụ việc của nhà ông Tính cũng có thể phần nào cảm thông chỉ vì ngập lụt mà nhận nhầm phần mộ của tổ tiên, mâu thuẫn với dòng họ khác. Chuyện 2 dòng họ cùng nhận một ngôi mộ vốn không phải của người thân mình cũng là một câu chuyện hi hữu.
Việc dòng họ Đỗ nhà ông Tính tiến hành khai quật và di chuyển hài cốt về nghĩa trang của gia đình trong khi đang có tranh chấp với dòng họ Phạm là việc làm không nên và nếu việc xác định ADN cho thấy người trong phần mộ là bố ông Đạt, thì những người tham gia di chuyển hài cốt sẽ vướng vòng lao lý vì đã có hành vi xâm phạm mồ mả của người khác.
Trở lại câu chuyện 2 dòng họ nhận nhầm mộ người thân, vì lỗi khách quan nên cả 1 dòng họ nhận nhầm mộ có thể hiểu được và thông cảm. Tuy nhiên, cả hai bên đều phải có văn bản giải trình gửi cơ quan chức năng. Ngoài ra, xét về mặt pháp luật, những người trong dòng họ Đỗ đã có dấu hiệu vi phạm Điều 245 BLHS về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Theo đó người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mổ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Tuy nhiên ở đây, do chưa xác định được hài cốt trong phần mộ là của ai, cũng chưa có người nào đến nhận đó là phần mộ của gia đình mình nên chưa thể xác định được bị hại. Một điều nữa, như đã phân tích ở trên, do đây là lỗi khách quan, việc nhầm lẫn là điều không ai mong muốn nên cơ quan công an sẽ xem xét, cân nhắc có nên ra quyết định khởi tố vụ án hay không.
Xuân Hòa