Khai thác năng lượng mặt trời theo cách hoàn toàn mới bằng công nghệ “thay đổi cuộc chơi”

Thứ 4, 30/04/2025 06:15

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tiết lộ tiềm năng của các tấm pin năng lượng mặt trời nổi có thể cung cấp điện cho khoảng 100 triệu ngôi nhà ở “xứ cờ hoa” mỗi năm.

Khi thế giới tiếp tục giải quyết những thách thức của sản xuất năng lượng sạch, một sáng kiến mới xuất hiện: Công nghệ năng lượng mặt trời nổi (floating solar technology).

Trong một nghiên cứu mang tính đột phá, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tiết lộ tiềm năng của các tấm pin năng lượng mặt trời nổi có thể cung cấp điện cho khoảng 100 triệu ngôi nhà ở "xứ cờ hoa" mỗi năm.

Công nghệ đột phá này mang đến một giải pháp đầy hứa hẹn cho cả những thách thức về năng lượng và môi trường bằng cách khai thác năng lượng mặt trời theo một cách hoàn toàn mới.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia (NREL), một bộ phận của Bộ năng lượng Mỹ, gần đây đã hoàn thành một nghiên cứu cho thấy tiềm năng to lớn của các hệ thống năng lượng mặt trời nổi được đặt trên các hồ chứa liên bang trên khắp cả nước.

Các phát hiện cho thấy các hồ chứa này có thể sản xuất tới 1.476 terawatt giờ điện mỗi năm – đủ để cung cấp điện cho khoảng 100 triệu ngôi nhà. Khám phá này có thể thay đổi hoàn toàn bối cảnh năng lượng của Mỹ, cung cấp một nguồn năng lượng sạch, tái tạo mới.

Điều khiến sự phát triển này trở nên thú vị hơn nữa là tiềm năng chưa được khai thác mà nó đại diện. Ngay cả khi chỉ có 10% tiềm năng này được hiện thực hóa, nó vẫn có thể đóng góp rất lớn vào các mục tiêu năng lượng của nền kinh tế số 1 thế giới.

Khai thác năng lượng mặt trời theo cách hoàn toàn mới bằng công nghệ “thay đổi cuộc chơi”- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Điểm hấp dẫn của các hệ thống năng lượng mặt trời nổi là chúng có thể được triển khai trên các vùng nước đang được sử dụng, chẳng hạn như hồ chứa và hồ tự nhiên, mà không cần thêm tài nguyên đất, vốn đang ngày càng khan hiếm do quá trình đô thị hóa và nhu cầu nông nghiệp.

Đáng chú ý, lợi ích của các hệ thống năng lượng mặt trời nổi này không chỉ dừng lại ở việc tạo ra năng lượng sạch. Các tấm pin cũng giúp làm mát nước bên dưới, giảm bốc hơi và bảo tồn các nguồn nước quý giá, đặc biệt quan trọng ở những vùng dễ bị hạn hán.

Ngoài ra, các hệ thống nổi này giải quyết vấn đề chung về tình trạng khan hiếm đất cho các trang trại năng lượng mặt trời. Khi nhu cầu đô thị và nông nghiệp tiếp tục tăng, việc tìm kiếm các vùng đất phù hợp cho các tấm pin năng lượng mặt trời truyền thống ngày càng trở nên khó khăn.

Mặc dù hệ thống năng lượng mặt trời nổi có triển vọng đáng kinh ngạc, vẫn có một số thách thức cần vượt qua.

Ví dụ, giao thông đường thủy trên một số hồ chứa nhất định có thể gây rủi ro cho cơ sở hạ tầng quang điện nổi và một số vùng nước có thể không lý tưởng cho các công trình như vậy do các yếu tố như nhiệt độ, độ sâu hoặc đáy không bằng phẳng.

Những điều kiện này sẽ yêu cầu đánh giá cẩn thận tại từng địa điểm cụ thể để đảm bảo khả năng tồn tại và độ bền của các tấm pin.

Ngoài ra, quang điện nổi vẫn có xu hướng đắt hơn khi lắp đặt so với các hệ thống năng lượng mặt trời truyền thống do cần có bệ nổi chuyên dụng và hệ thống neo.

Bên cạnh đó, cần cân nhắc cẩn thận tác động sinh thái của các hệ thống năng lượng mặt trời nổi lên hệ sinh thái dưới nước. Việc lập kế hoạch và đánh giá môi trường hợp lý là điều cần thiết để tránh gây ảnh hưởng đến động vật hoang dã và chất lượng nước tại địa phương.

Công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng đà phát triển là không thể phủ nhận. Câu hỏi thực sự không phải là liệu công nghệ năng lượng mặt trời nổi có hoạt động hay không, mà là tốc độ mở rộng và tích hợp vào cơ sở hạ tầng hiện có để bắt đầu tạo ra tác động hữu hình đến sản xuất năng lượng như thế nào.

Minh Đức (Theo Jason Deegan, EU Startups)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.