Dự án chậm tiến độ do không có mặt bằng để thi công
Ngày 10/10, ông Hoàng Văn Châu, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 4, Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT cho biết, đơn vị mới có báo cáo tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (sau đây gọi là dự án QL7).
Dự án Quốc lộ 7 đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022. Tổng mức đầu tư 1.300,270 tỷ đồng với tổng chiều dài 27,5Km đi qua huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Dự án được chia làm 3 gói thầu xây dựng, tổng giá trị 778,724 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự phòng). Trong đó: Gói thầu XD01: 285,618 tỷ đồng; Gói thầu XD02: 192,088 tỷ đồng; Gói thầu XD03: 301,128 tỷ đồng.
Hiện, giá trị thi công đến thời điểm này đạt 540,016/714,785 tỷ đồng (không bao gồm chi phí dự phòng) đạt 75,55%. Trong đó: Gói XD01: đạt 73,97%; Gói XD02: đạt 71,55%; Gói XD03: đạt 79,63%.
Có nhiều nguyên nhân khiến các gói thầu chưa thể hoàn thành. Tuy nhiên, phần lớn do dự án còn vướng mặt bằng trên tuyến. Mặt bằng được bàn giao không liên tục khiến việc thi công dang dở.
Theo báo cáo, đến nay các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 53,935km/55,405km (đạt 97,35%) tính cả trái và phải tuyến.
Trong đó, đối với huyện Diễn Châu đã bàn giao các đoạn không liên tục từ Km0+00 - Km9+180 (trái và phải tuyến) đến nay được 17,957km/18,608km (đạt 96,51%). Hiện còn vướng mặt bằng khoảng 0,650km, với tổng số 57 thửa, trong đó có 20 thửa vướng do dự án cầu Đậu cũ năm 2007 và dự án mở rộng Quốc lộ 7 năm 2011.
Còn huyện Yên Thành đã bàn giao các đoạn không liên tục từ Km9+180 - Km24+678 (trái và phải tuyến) được khoảng 26,956km/27,774km đạt 97,06%. Hiện còn vướng mặt bằng 0,818km với tổng số 48 thửa.
Riêng huyện Đô Lương đã bàn giao các đoạn được 9,022/9,022km đạt 100%.
Trong khi đó, gói thầu XD01 và XD03 qua địa bàn các huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương sẽ hết hạn vào ngày 31/10/2024; đối với gói thầu XD02 qua địa bàn huyện Diễn Châu sẽ có thời hạn đến ngày 30/11/2024.
"Do thời gian thực hiện dự án không còn nhiều, vậy nên việc bàn giao mặt bằng chậm sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện của dự án", đại diện Ban Quản lý dự án 4 thông tin.
Vì vậy, Ban đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các sở ngành và các UBND huyện Diễn Châu, Yên Thành tiếp tục huy động toàn bộ hệ thống chính trị các cấp tập trung tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của Nhà nước.
Đối với các hộ dân đã đảm bảo thủ tục mà không đồng ý bàn giao mặt bằng trong tháng 10/2024 thì cần sớm tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công.
Đặc biệt, đối với huyện Diễn Châu, ưu tiên thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng để nhà thầu có thể tập trung tối đa các nguồn lực, thi công hoàn thành cầu vượt đường sắt (đây là đường găng của dự án) theo tiến độ yêu cầu của dự án.
Tổ chức bảo vệ thi công đối với các phạm vi mặt bằng không thuộc phạm vi phải giải phóng mặt bằng đang bị người dân cản trở, chống đối các đoạn qua xã Diễn Thành, Diễn Cát, Minh Châu.
Đối với huyện Yên Thành, Ban đề nghị sớm tổ chức cưỡng chế, bảo vệ thi công chậm nhất trong tháng 10/2024 để bàn giao mặt bằng cho đơn vị nhà thầu.
Về việc này, ông Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, tỉnh Nghệ An đã liên tục đốc thúc các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước, làm cho người dân hiểu về tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án, đồng thuận để triển khai thực hiện.
"Tuy nhiên, việc giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp Quốc lộ 7 vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là người dân vẫn chưa đồng ý phương án đền bù, yêu cầu giá đất cao, đòi bồi thường phần diện tích đất giao trái thẩm quyền…", ông An nói.
Quyết định mới sẽ "khai thông" cho dự án bế tắc?
Mới đây, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã ký, ban hành Quyết định số 33/2024/QĐ-UBND ngày 30/9 Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.
Quyết định số 33 có hiệu lực từ ngày 10/10/2024, thay thế cho Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh. Điều này không chỉ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư và nhà thầu khi thực hiện dự án, mà còn làm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến nền kinh tế, sự phát triển của đô thị và cuộc sống của nhân dân địa phương.
Trong đó, quy định về điều kiện, tỷ lệ để được bồi thường bằng đất thương mại dịch vụ khi Nhà nước thu hồi đất ở, thửa đất sử dụng để bồi thường phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; hoặc quy hoạch vùng; hoặc quy hoạch phân khu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có hạ tầng đã được đầu tư hoàn chỉnh, đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Địa phương có điều kiện về quỹ đất thương mại dịch vụ (với hình thức thu tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian gian thuê) để đáp ứng cho tất cả các đối tượng đủ điều kiện trong cùng 1 dự án trên cùng địa bàn cấp xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi, trong đó ưu tiên vị trí thuận lợi cho đối tượng là người có công với cách mạng.
Người có đất bị thu hồi đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó tổng diện tích thu hồi tối thiểu trong 01 dự án như sau: Đất ở của tổ chức kinh tế là 1.000 m2; Đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là 500 m2.
Tại quyết định này cũng quy định hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân; bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất khi xây dựng công trình, khu vực có hành lang bảo vệ an toàn; Bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất.
Ngoài ra, tại quyết định này cũng đã quy định cơ chế thưởng đối với người có đất ở gắn liền với nhà ở bị thu hồi bàn giao mặt bằng trước thời hạn.
Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế bị thu hồi toàn bộ thửa đất ở gắn liền với nhà ở thuộc trường hợp phải di chuyển chỗ ở nhưng bàn giao mặt bằng trước thời hạn theo quy định của pháp luật thì được thưởng với mức sau:
Trường hợp bàn giao mặt bằng trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày chi trả tiền được ghi trong thông báo (Giấy nhận tiền) lần 1 thì được thưởng 10.000.000 đồng/trường hợp, đồng thời được ưu tiên chọn lô đất tái định cư hoặc lô đất có thu tiền sử dụng đất (Nếu đủ điều kiện theo quy định).
Trường hợp bàn giao mặt bằng trong thời hạn 6-10 ngày kể từ ngày chi trả tiền được ghi trong thông báo (Giấy nhận tiền) lần 1 và có lý do chính đáng được thưởng 5.000.000 đồng/trường hợp.