Đời ngư phủ
2h sáng 12/2 (tức mùng 8 âm lịch), cầu Cảng số 3 âu thuyền Thọ Quang, TP Đà Nẵng, hàng chục tàu cá của ngư dân miền Trung vào neo đậu chờ bán hải sản. Những con tàu làm nghề lưới rê, lưới bùng nhùng, chụp mực, và đặc biệt là những con tàu đánh bắt xuyên Tết... nổ máy chờ đến lượt mình cân hải sản. Dưới các hầm cấp đông, các loại cá to đánh bắt từ biển Đông được xếp gọn gàng; một số loại nhỏ hơn thì được xếp vào các khay cá. Phía trên boong tàu, những tấm lưng trần ngư phủ phơi gió sương đang hồ hởi, rạng ngời. Sau nhiều tháng nằm bờ, những chuyến biển đầu năm nơi khơi xa đổ đầy theo đàn cá lội ắp đầy lộc xuân.
Đến lượt mình, tàu QNg 94448 TS giảm tốc lực, xua sóng ập vào cảng. Từ trên tàu, ông Võ Văn Dũng (trú tỉnh Quảng Ngãi) chủ tàu sướng rơn, hô hét các lái buôn đến cân cá.
Con tàu của ông Dũng là một trong hàng chục tàu khác cập cảng sau chuyến biển "vắt" qua 2 năm. Ai cũng trúng đậm, no ấm cả. "Tàu tôi đi từ 20 tháng Chạp, hôm nay mới về. Xuyên Giao thừa, xuyên năm luôn. Đợt này trúng hơn 10 tấn cá các loại, tính ra lời hơn 500 triệu đồng, chia mỗi anh em vài chục triệu...", ông Dũng hào hứng nói.
Theo các ngư dân, năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên những chuyến đi biển trong thời khắc chuyển giao năm mới - năm cũ đều trúng đậm. "Lộc biển” đầu năm toàn cá chim, cá hố, cá ngừ... - những loài có giá trị kinh tế cao.
Thuyền viên tàu cá BĐ 97179-TS Nguyễn Văn Bình nói rằng, tàu anh xuất biển từ ngày 28 tháng Chạp Mậu Tuất đến ngày mùng 6 tháng Giêng Kỷ Hợi đã mang về 3 tấn cá chim. Nhờ "lộc biển" lại nhờ "lộc trời" khi sau Tết, giá hải sản tăng cao nên chuyến biển mang về hàng trăm triệu đồng.
“Vừa được mùa vừa may mắn bởi dân biển quan niệm những tàu đầu tiên thu được lộc biển đầu năm thì năm đó sẽ thuận buồm xuôi gió", anh Bình cho biết thêm.
Khát vọng!
Một lão ngư tâm sự với chúng tôi rằng, nghiệp biển dã thường gian truân nên chỉ dành cho phận trai quen nắng sương. Thường cứ độ Xuân về, ngư dân miền Trung lại hướng ra biển, ở đó không chỉ là nguồn lợi kinh tế mà còn là vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Sự khởi đầu thuận lợi cho ngư dân bước vào năm mới Kỷ Hợi khiến nhiều ngư dân kỳ vọng vào một năm bội thu. Sau khi dành thời gian ăn Tết muộn với gia đình, các ngư dân sẽ nổ máy, căng buồm, trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hải sản. Khát vọng bám biển, bám trời.
“Ai cũng biết từ năm 2014 đến nay, biển và ngư dân miền Trung gặp nhiều khó khăn. Nhưng, khó khăn nhất cũng là lúc ngư dân cho thấy bản lĩnh của mình. Cùng sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, ngư dân tích cực bám biển, nhất là những chuyến biển xa bờ... Biển cả luôn ồn ào và giận dữ, nhưng cũng rất hào phóng ban tặng cho con người nhiều nguồn lợi. Đời ngư phủ lắm bất trắc, hiểm nguy... song với ngư dân, và với tất cả, biển cả là chủ quyền thiêng liêng...", lão ngư chia sẻ.
Theo ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, trong những ngày đầu năm 2019, lượng hải sản hàng ngày về từ các vùng biển, trong đó đặc biệt là Hoàng Sa ước đạt khoảng hơn 100 tấn hải sản/ngày. Dự kiến đến sau rằm tháng Giêng, các tàu cá đánh bắt xa bờ của TP Đà Nẵng sẽ rầm rộ ra khơi. Hiện nay, tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và Vịnh Bắc Bộ, có hàng trăm tàu cá của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu… đang hoạt động. Trong những ngày đến, nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của các tỉnh nói trên sẽ cập cảng Thọ Quang để bán hải sản.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng thông tin, các ngư dân ra khơi trúng đậm cá, mực ngay trong những ngày Tết là một tín hiệu vui đầu năm mới Kỷ Hợi. Nó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế gia đình mà còn cung cấp hải sản kịp thời, phục vụ người dân và du khách.