Khám bảo hiểm: 'Bệnh truyền nhiễm' của ngành y tế

Khám bảo hiểm: 'Bệnh truyền nhiễm' của ngành y tế

Thứ 5, 11/07/2013 15:37

Không khám lâm sàng, nhiều bệnh viện cứ có bệnh nhân vào cấp cứu là chỉ định cho làm đủ các xét nghiệm, chụp XQ, siêu âm...

Với những người có bảo hiểm chi trả thì cũng đỡ phần nào vì chỉ phải trả 10% tiền phí dịch vụ, nhưng với những bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm thì số tiền thanh toán không nhỏ. Việc lạm dụng dịch vụ như vậy khiến không chỉ quỹ Bảo hiểm y tế mà người dân cũng... méo mặt.

Bệnh đơn giản biến thành nan giải vì có "người thứ 3" trả tiền

Chuyện chỉ định dùng thuốc, dịch vụ kỹ thuật y tế một cách quá dễ dàng tại các bệnh viện đã thành "bệnh truyền nhiễm" mà ngành y tế, bảo hiểm đang bắt tay tìm giải pháp khống chế. Tuy nhiên, với tâm lý "có người thứ 3" là bảo hiểm y tế thanh toán tiền nên không ít bệnh viện vẫn "hào phóng" sử dụng dịch vụ cho bệnh nhân.

Bị đau bụng, chị N.T.M được người nhà đưa vào bệnh viện XD cấp cứu. Người nhà chị M. lo lắng vì bệnh nhân mới mổ ruột thừa được hơn 1 tháng. Tuy nhiên, tới viện các bác sỹ khám rồi kết luận "đau bụng không rõ nguyên nhân". Tiếp theo đó, chị M. được chỉ định đi làm đủ các xét nghiệm như siêu âm ổ bụng, điện tim, chụp XQ, xét nghiệm máu... Điều lạ lùng, mặc dù đã khẳng định không có thai nhưng chị M. vẫn được bác sỹ chỉ định đưa vào siêu âm xem có thai hay không? Nhưng sau khi siêu âm, bác sỹ xem xét rất kỹ, nhưng không kết luận được gì và yêu cầu người nhà đi mua que thử thai. Nhìn vào hiển thị tại que thử thai (1 vạch) bác sỹ khi ấy kết luận... "không có thai". Tiếp tục hành trình, chị M. phải đi gần hết các phòng chụp chiếu, xét nghiệm mà vẫn không nhận được kết luận chính xác.

Dù chẳng biết nguyên nhân đau bụng, nhưng chị M. vẫn được cho nhập viện để theo dõi và nộp tạm viện phí 2 triệu đồng. Ngay lập tức, chị được các bác sỹ chỉ định truyền nước, tiêm kháng sinh. Cuối ngày, chị M. phát hiện ra "đến tháng" là nguyên nhân đau bụng nên xin ra viện, nhưng các bác sỹ từ chối và hù dọa: "Nếu tự ý xin ra viện, có sự cố gì chúng tôi không chịu trách nhiệm. Đau bụng không rõ nguyên nhân thì phải theo dõi lâu. Sự giảm đau tức thời không nói được điều gì".

Phải đôi co, to tiếng chị M. mới được chấp nhận ra viện và làm thủ tục thanh toán với một cái list kê thuốc và các dịch vụ đã sử dụng dài 2 trang. Ngoài việc bảo hiểm trả 80% tiền viện phí, chị M. phải nộp hơn 400 ngàn đồng nữa.

Xã hội - Khám bảo hiểm: 'Bệnh truyền nhiễm' của ngành y tế

Thuốc kê ngoài danh mục vẫn đang bị lạm dụng khiến bệnh nhân, người nhà khốn đốn (Ảnh minh hoạ).

Hay trường hợp của anh N.V.T. (Hưng Yên) tự dưng thấy bị tê cánh tay nên đến bệnh viện tỉnh để khám. Sau khi được bác sĩ khám sơ qua, anh được chỉ định đi làm xét nghiệm. Tuy nhiên, anh giật mình khi nhìn vào tờ phiếu: Cả phiếu có 10 mục thì bác sĩ chỉ không đánh dấu chụp XQ bàn tay, còn bắt làm toàn bộ từ công thức máu, axít uric, Creatinine, Ure, Bilirubil, GPT, Ca+ và Hbsag.

Nhìn vào "danh mục" xét nghiệm, anh T. thấy vô lý vì bác sỹ không chụp XQ lại bắt đi xét nghiệm một loạt những thứ không liên quan. Anh hỏi lại bác sĩ thì nhận được câu trả lời "phải xét nghiệm để xem có nhiễm trùng máu không" và không có kết luận gì khác. "Nếu làm hết các xét nghiệm chờ đợi quá lâu, mất thời gian, thêm bực mình tôi chẳng làm gì cả, mặc dù đã đóng tiền nhưng tôi vẫn bỏ về. Về đến nhà, tôi lấy tí cao tự xoa bóp cũng thấy khỏi", anh T. nói.

Theo các chuyên gia y tế, xét nghiệm Creatinine và Ure là để đánh giá chức năng thận, Bilirubil và GPT là để đánh giá chức năng gan, Ca+ là nồng độ canxi trong máu... Thực tế, những trường hợp bệnh nhân được chỉ định làm một loạt các xét nghiệm không cần thiết như trường hợp của anh T. không phải hiếm gặp. Thậm chí tình trạng này xảy ra khá phổ biến tại các bệnh viện, đặc biệt là với những người đi khám bảo hiểm y tế.

Mù mờ thuốc ngoài danh mục

Bắt đầu từ câu chuyện của người nhà bệnh nhân N.V.H. ở Thái Nguyên. Anh H. bị tai nạn giao thông được các bác sĩ chẩn đoán đa chấn thương bao gồm chấn thương sọ não, gãy hai chân, gãy xương gò má, xương hàm, xương sườn. Sau khi được sơ cứu ở bệnh viện tỉnh Thái Nguyên, anh H. được chuyển lên bệnh viện VĐ để cấp cứu và điều trị. Do bệnh tình của anh rất nặng nên các bác sĩ cũng đã chuẩn bị tinh thần cho người nhà. Được 2 tuần trong phòng cấp cứu, anh H. được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện.

Tại đây, ngoài những thuốc được bảo hiểm chi trả, người nhà bệnh nhân còn được bác sĩ khuyên nên mua thêm những loại thuốc ngoài danh mục để giúp bệnh nhân có thể khôi phục được thể trạng và sức đề kháng tốt nhất. Một trong số các loại thuốc tiêm được bác sĩ giới thiệu là của nước ngoài được bán với giá 5 triệu đồng/lọ. Mỗi ngày tiêm 5 lọ thì số tiền gia đình phải trả là 25 triệu đồng/ngày. Đến khi gia đình thanh toán tiền thuốc thì con số này lại lên tới 28 triệu đồng (?), liên tục trong gần chục ngày trời, gia đình méo mặt chi trả cốt để tình trạng người nhà tốt hơn.

Trong khi đó, mỗi lần tiêm thuốc cho anh H., người nhà bị đuổi hết ra khỏi phòng bệnh, sau khi hết thời gian làm thuốc mới lại được vào và được bác sĩ trả lại cho đúng 5 vỏ lọ thuốc tiêm. Việc tiêm đủ, tiêm đúng liều lượng hay không, người nhà hoàn toàn không hề hay biết. Về sau, người nhà bệnh nhân H. mới hỏi thăm dò được một điều dưỡng trong khoa và được biết, đây cũng chỉ là một loại thuốc bổ để trợ não, gia đình có điều kiện thì mua dùng, không có cũng không sao.

Chị N., người nhà bệnh nhân H. cay đắng nói: "Anh H. nằm gần 20 ngày, tiêm đủ loại thuốc theo ý kiến bác sĩ, gia đình tôi cũng phải chi tới 500 triệu đồng bao gồm cả tiền thuốc, tiền chăm sóc, tiền máy thở,... Bác sĩ bảo gì thì chúng tôi nghe nấy chứ người nhà có biết gì về thuốc đâu, mãi mà tình trạng của anh ấy cũng không tiến triển được gì. Quá mệt mỏi, gia đình tôi mới xin chuyển sang bệnh viện khác. Lúc chuyển viện, tôi vẫn còn cầm trong tay phiếu thanh toán tiền mua đinh để phẫu thuật chân hết 6 triệu đồng mà không biết đưa cho ai, làm gì, chân anh ấy vẫn chỉ bó bột và không làm thêm gì hết".

Trường hợp của anh H. không phải hiếm với những bệnh nhân nặng hiện nay tại các bệnh viện lớn. Chiều theo tâm lý của bệnh nhân và người nhà muốn phục hồi sức khoẻ và chức năng một cách tốt nhất, không ngại tốn kém nên các bác sĩ cũng sẽ kê những loại thuốc hỗ trợ cho tình trạng bệnh. Đặc biệt với những bệnh nhân "gia đình có điều kiện" thì những loại thuốc bổ, thuốc hỗ trợ này sẽ được nhân lên theo cấp độ lo lắng của bệnh nhân và người nhà.

Một bác sĩ ở bệnh viện TT cho biết: Một viên thuốc bổ não có nguồn gốc Trung Quốc (an-côn) có giá chừng 400 đến 900 nghìn đồng/viên nhưng ở nhiều bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tư sẽ bán giá lên gấp đôi, gấp rưỡi. Nhiều bệnh nhân cứ có tình trạng liên quan tới não là được gợi ý sử dụng, trong khi thuốc này thường được dùng trong điều trị tai biến mạch máu não trong vòng 72 giờ.

"Người nhà tôi bị dập não đã được hơn 10 ngày, đến khi chuyển viện bác sĩ lại khuyên mua tiếp. Vì không có mặt nên lúc người nhà báo, tôi cũng chỉ biết ngậm bồ hòn chứ biết làm sao", anh chia sẻ.

Cốt lõi vẫn là y đức của bác sỹ

Theo Đại biểu quốc hội, BS. Nguyễn Minh Hồng, việc kê đơn thuốc ngoài danh mục cho bệnh nhân và người  nhà hiện nay không phải là tình trạng hiếm. Cùng một loại bệnh nhưng thầy thuốc có thể kê theo đơn thuốc A, B, C có cùng tác dụng như nhau. Nếu thầy thuốc tốt thì sẽ tính toán thế nào cho bệnh nhân đỡ thiệt thòi về tài chính, phù hợp với tình trạng bệnh một cách tốt nhất. Nhưng nếu y đức của người thầy thuốc có hạn, chỉ nhằm mục đích trục lợi cho mình, cấu kết với các hãng thuốc để ăn chia phần trăm thì sẽ kê những đơn thuốc đắt tiền không cần thiết. Việc quản lý kê đơn thuốc ngoài danh mục cũng đã được bộ Y tế quản lý chặt chẽ, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Vấn đề ở đây là tâm lý của bệnh nhân, người nhà sẽ tạo nên "cầu" đối với bác sĩ và hãng thuốc, đương nhiên việc "cung" cũng sẽ vẫn tiếp tục diễn ra.

Minh Khánh - Đỗ Huệ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.