Khám Lớn Sài Gòn - Dấu tích địa ngục trần gian

Khám Lớn Sài Gòn - Dấu tích địa ngục trần gian

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

“Khám Lớn Sài Gòn ở đâu?” vẫn là câu hỏi mà không ít các thế hệ người Sài thành hôm nay đặt ra để đi tìm quá khứ thành phố.

Cách đây tròn 126 năm, vào năm 1886, thực dân Pháp xây dựng tại trung tâm thành phố Sài Gòn cũ một nhà giam tù nhân, gọi là Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon), đến năm 1890 thì xây xong. Công trình tọa lạc trên nền đất mà xưa kia là chợ Cây Da Còm. Theo học giả Trương Vĩnh Ký, sở dĩ chợ có tên là Cây Da Còm, vì nó họp dưới gốc một cây đa nhánh còm, lá gie khòm xuống mặt đất.

Xã hội - Khám Lớn Sài Gòn - Dấu tích địa ngục trần gian

Bên phải là Tòa án Sài Gòn, bên trái là Khám Lớn Sài Gòn

Ngày xưa, nơi đây chuyên bán trống, bán lọng, yên ngựa và mũ tú tài. Ban đầu, khám dài khoảng 30m và rộng 15m, có lối đi hẹp ở giữa hai dãy khám, mặt chính được rào bằng những song sắt, vách tường sơn đen, chỉ chừa cửa sổ nhỏ ở trên cùng, rất ngột ngạt. Bên trong phòng giam, nền tô bằng xi măng, các tù nhân đều nằm trên sàn, một chân đút vào cái cùm dài suốt chiều dài xà lim. Ở đây, còn có một xà lim (cellule) dành cho tù nhân lãnh án tử hình. Đó là một hầm 3mx5m, ba mặt là tường kín và mặt còn lại là một cửa sắt có đục lỗ nhỏ. Thiết kế như vậy, cốt vừa để thông hơi, vừa để lính canh từ bên ngoài có thể quan sát bên trong phòng giam.

Tuy nhiên, vì thiếu ánh sáng, vệ sinh lại kém nên tù nhân dễ bị bệnh tật và thực tế ở đây luôn phát sinh các loại bệnh nguy hiểm. Sau một thời gian, do số tù nhân tăng lên, khám phải xây thêm nhiều phòng mới, tường cao bao quanh, gồm hai dãy nhà một tầng và hai dãy nhà trệt, phân chia thành nhiều khu vực để giam cầm nhiều hạng tù khác nhau.

Khám Lớn Sài Gòn trở thành khám đường lớn nhất Nam Kỳ lục tỉnh bấy giờ, giam giữ tra tấn tù nhân người Việt, người Hoa lẫn người Âu, có lúc lên tới 1.500 - 2.000 người. Nhiều nhà yêu nước và cách mạng nổi tiếng đã từng bị giam giữ tại đây như Nguyễn An Ninh, Phan Xích Long, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Tống Văn Trân, Lý Tự Trọng... Trong khám có khu biệt giam tù chính trị, xà lim án chém, phòng để máy chém và khu hành quyết tù nhân.

Theo các cứ liệu lịch sử, Khám Lớn Sài Gòn được xây giới hạn bởi bốn con đường Lagran Dìere (nay là đường Lý Tự Trọng), Mac Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Espagne (Lê Thánh Tôn) và Filippini (Nguyễn Trung Trực). Đối chiếu với thực địa hiện nay, khám nằm trọn trong khuôn viên Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM. Dưới thời thuộc Pháp, Khám Lớn Sài Gòn cùng với Tòa án Sài Gòn (xây năm 1881-1885) và Dinh Thống đốc Nam Kỳ (xây năm 1885-1890) nằm ở ba góc tạo thành "tam giác quỷ" là "biểu tượng" cho bộ máy thống trị của chế độ thực dân ở Nam kỳ lục tỉnh. Đến ngày 8/3/1953, sau khi xây xong khám Chí Hòa, chính quyền Bảo Đại đã cho phá hủy Khám Lớn Sài Gòn, phóng thích một số tù nhân, còn lại khoảng 1.600 người cùng chiếc máy chém chuyển về khám Chí Hòa. Bảy năm sau, năm 1960, khi Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại lên nắm chính quyền ở miền Nam đã dùng chiếc máy chém này để hành hình ông Hoàng Lệ Kha - Tỉnh ủy viên Tây Ninh. Trước sự lên án kịch liệt của dư luận trong và ngoài nước, "nhà Ngô" phải ra lệnh "xếp xó" mãi mãi chiếc máy chém ghê rợn này vào khám Chí Hòa.

Năm 2011, Công ty Nhã Nam thỏa thuận tác quyền và liên kết xuất bản với NXB Văn hóa Văn nghệ nhân dịp 15 năm ngày mất của cụ Vương Hồng Sển (mất ngày 9/12/1996) đã xuất bản cuốn sách "Khám Lớn Sài Gòn". Đây là tác phẩm cuối đời của nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật nổi tiếng Vương Hồng Sển là một tập ghi chép những gì mắt thấy tai nghe tại Khám Lớn Sài Gòn trong những giờ phút cuối cùng của khu nhà giam này trước khi bị đập phá bỏ hẳn vào năm 1953.

Đăng Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.