Ba lần phá kỷ lục của chính mình
Sau khi tác phẩm "Việt Nam quê hương tôi" được kỷ lục Guiness Việt Nam công nhận là bức tranh gáo dừa lớn nhất Việt Nam năm 2007 với kích thước 2,4m x 2,6m, nhiều người bắt đầu gọi Quốc là "kỷ lục gia".
Dường như cũng từ đó, 3 chữ "kỷ lục gia" đã gắn với cuộc đời của chàng họa sĩ tài ba này như một ngôi sao chiếu mệnh và Võ Quý Quốc sinh ra là để lập nên những kỷ lục. Bởi vậy, chỉ sau đó một năm, anh đã phá vỡ kỷ lục trước đó của chính mình bằng một bức tranh khác có tầm cỡ hơn hẳn.
Đó là một bức tranh lớn với hình ảnh Bác Hồ đang bắt nhịp cho 54 dân tộc anh em cùng hát vang bài ca kết đoàn được thể hiện một cách vô cùng sinh động bởi hàng nghìn, hàng vạn mảnh gáo dừa ghép với nhau. Tác phẩm "Bài ca kết đoàn" (3,2m x 3,2m) lại một lần nữa ghi danh Võ Quý Quốc vào sách kỷ lục Guiness Việt năm 2008.
Tác giả giấy chứng nhận xác lập kỷ lục.
Để hoàn thành kiệt tác này, Quốc đã mất nhiều ngày lên rừng xuống biển, vào Nam ra Bắc, lặn lội đến những vùng đất xa xôi của tổ quốc để tìm hiểu những tư liệu sống quý giá về cuộc sống của đồng bào các dân tộc anh em cho bức tranh của mình. Càng đi, càng hiểu, càng thấm thía tình yêu quê hương đất nước, Quốc càng thêm chân trọng giá trị của chiếc gáo dừa, một nguyên liệu giản dị, thấm đượm hồn quê. Có lẽ chính điều đó đã tạo nên sự hoàn mỹ cho bức tranh kỷ lục này.
Chẳng biết chàng họa sĩ kia có "điên" hay không nhưng sau đó không lâu, năm 2010, Võ Quý Quốc đã thêm một lần nữa tiếp tục phá kỷ lục của chính mình. Lần này là bức tranh gáo dừa "Anh hùng Điện Biên" dài 10,8m, cao 2,4m được Võ Quý Quốc hoàn thành trong vòng 6 tháng làm việc miệt mài với sự trợ giúp của một số đồng nghiệp. Anh đã phải dùng tới hơn 5 tấn gáo dừa thô, gần 6.000 vỏ gáo dừa, 60 lít keo, 9 tấm gỗ lớn... với chi phí khoảng trên dưới 1 tỷ đồng để hoàn thành tuyệt tác nghệ thuật này.
Lấy ý tưởng từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bằng bàn tay tài hoa của mình, họa sĩ Võ Quý Quốc đã tạo nên một bức tranh sống động về cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc. Tác phẩm lớn này cũng được tác giả trao tặng cho tỉnh Quảng Bình, quê hương của đại tướng Võ Nguyên Giáp, cái tên gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ huyền thoại năm 1954.
Bí mật chiếc quan tài độc nhất vô nhị
Phàm những người đến nhà Quốc chơi, không kể già trẻ, lạ quen, ai cũng mong một lần trong đời được mục sở thị chiếc quan tài ốp tranh gáo dừa mà anh tự thiết kế cho mình. Với một chàng trai sinh năm 1983, sức khỏe hoàn toàn bình thường, đóng quan tài vào thời điểm đó là quá sớm và được cho là một hành động dị thường không sao hiểu nổi. Chỉ những người gần gũi với Quốc, những người có cùng đam mê, lý tưởng, cùng bao phen sống chết với tranh gáo dừa mới hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự ra đời của chiếc quan tài.
Đó là thời điểm năm 2010, khi Quốc đang háo hức bắt tay vào thực hiện một bức tranh lớn tại Hà Nội để chào mừng sự kiện "1.000 năm Thăng Long". Dự kiến bức tranh "1.000 năm Thang Long" của Quốc sẽ “ăn đứt” những kỷ lục trước đó cả về độ lớn lẫn chất lượng và có tầm cỡ thế giới với chi phí theo tính toán ban đầu có thể lên đến con số 2 tỷ đồng.
Kỷ lục gia Võ Quý Quốc và chiếc quan tài tự thiết kế cho bản thân.
Để thực hiện ý tưởng độc đáo này, Quốc đã dốc toàn bộ tâm trí, sức lực của mình vào đó từ việc đi xin tài trợ, thu mua gáo dừa đến thu thập tài liệu, phác thảo, lên khung... Nhưng đúng lúc công việc đã được hoàn tất phân nửa, đơn vị tài trợ cho bức tranh của Quốc chẳng hiểu vì lý do gì đó đã tuyên bố hủy bỏ chương trình trong khi trước đó, Quốc đã vay mượn một lượng tiền lớn để thu mua nguyên vật liệu và thuê nhân công.
Quốc rơi vào tình trạng làm cũng chết, mà không làm cũng chết bởi nguyên liệu đã mua về không thể trả lại được nhưng cũng không thể hoàn tất tác phẩm khi kinh phí không còn. Chàng họa sỹ đất Quảng thất bại trở về, đối mặt với nguy cơ phá sản.
Đứng trước biến cố lớn của cuộc đời, đã có những lúc anh đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, sự nghiệp bao năm theo đuổi dường như đã tan biến trong phút chốc để rồi hiểu ra rằng, mình không thể buông xuôi dù mọi chuyện có xấu đến đâu chăng nữa.
Kỷ lục gia, nhà từ thiện hay... kẻ điên? Ngoài những giá trị nghệ thuật to lớn, "Bài ca kết đoàn" của Võ Quý Quốc đã trở thành một tác phẩm vô giá khi toàn bộ số tiền bán đấu giá bức tranh 500 triệu đồng đã được tác giả ủng hộ cho hội Chữ thập đỏ. Sau sự kiện này, thay vì gọi Quốc là "kỷ lục gia", một số người quay sang gọi anh là "nhà từ thiện". Còn một số khác gọi anh là "thằng điên". Bởi họ chứng kiến chàng hoạ sỹ nai lưng ra kiếm tiền bằng những công việc vất vả khác để nuôi tranh gáo dừa. Ban ngày, Quốc đi làm thêm. Tối đến, anh trở về, thao thức cùng những mảnh ghép được cho là thô cứng, đơn điệu của gáo dừa để cho ra đời những bức tranh kỷ lục nhưng rồi lại dùng chúng vào việc cho, biếu, tặng trong khi mình chẳng có lấy một xu. Cho nên thiên hạ chẳng ngại ngần kết luận "Chỉ có những thằng điên mới hành động như thế!". |
Chính trong lúc cơ hàn ấy, Quốc đã tự đóng cho mình một chiếc quan tài, không phải để chôn vùi những ước mơ, hoài bão một đời theo đuổi, không phải để dành cho sự đầu hàng mà để tạc một lời thề chung thủy sống chết cùng tranh gáo dừa. Chừng nào còn thở, chừng đó Quốc còn một lòng một dạ với tình yêu tranh gáo dừa không bao giờ thay đổi. Quốc còn sống ngày nào thì ngày đó, tranh gáo dừa còn chưa bị bỏ rơi. Bởi đó chính là tình yêu, lẽ sống, là đam mê cháy bỏng, là ngọn nguồn sức mạnh giúp anh cảm nhận sự sống mãnh liệt trong từng nhịp đập trái tim mình.
Với quan niệm làm tranh không phải vì mục đích kinh doanh, Quốc là một trong những người làm nghệ thuật hiếm hoi mà niềm đam mê không bị ảnh hưởng bởi sự khốc liệt của thương trường. Trong khi nhiều nghệ sĩ khác cố gắng nắm bắt thị hiếu để tạo ra những bức tranh bán chạy thì Quốc chỉ làm tranh để phục vụ những ý đồ nghệ thuật của bản thân.
Dấu cảm thán cho thế hệ trẻ
Đó là lý do tại sao, Quốc thành lập công ty thiết kế nội thất để phục vụ riêng cho mục đích kiếm tiền. Tuy cũng là hoạt động kinh doanh với những tác phẩm làm từ gáo dừa nhưng nó được tách biệt hẳn với tranh. Quốc làm nội thất để nuôi tranh và làm tranh để nuôi khát vọng. Điều đó giải thích cho việc những bức tranh của Quốc luôn luôn mang đậm dấu ấn nghệ thuật của riêng anh mà không phảng phất bất cứ sự dễ dãi nào. Tranh Quốc vì thế làm ra chỉ để ngắm, để cho, tặng và làm từ thiện. Điều đặc biệt ít người biết đến là phân nửa trong số hơn 1.000 bức tranh gáo dừa của Quốc đều được bán đấu giá để làm từ thiện.
Là một người lạ lùng và có thể là một "thằng điên" trong mắt nhiều người nhưng anh đã làm được nhiều hơn tất cả những gì người ta có thể biết đến hay kỳ vọng ở một người làm nghệ thuật. Quốc luôn luôn là một dấu cảm thán để thiên hạ ngạc nhiên và thán phục.
Dương Dung