Hơn 3.000 hầm ở Seoul
Không khó để nhận ra sự hiện diện của hệ thống hầm trú ẩn một khi đặt chân đến Thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Những tấm bảng ghi chữ “nơi trú ẩn” được viết bằng cả tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc rất to, rõ ràng và được đặt ở vị trí thu hút sự chú ý nhất.
Hệ thống hầm ngầm được bố trí dày đặc với khoảng 3.253 hầm trú ẩn phòng vệ dân sự nằm rải rác trên toàn Seoul.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên luôn có diễn biến phức tạp, căng thẳng. Bởi vậy nên trong vài chục năm gần đây, Chính phủ Hàn Quốc đã tích cực xây dựng mạng lưới hầm trú ẩn để đối phó với các tình huống khẩn cấp.
Các hầm thường được ghép chung với các công trình khác để nhân đôi công năng sử dụng. Dưới các trung tâm thương mại, ga tàu điện ngầm hay các bãi đỗ xe của khách sạn thường là nơi có hầm trú ẩn.
Hiện tại, khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về kịch bản xung đột giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, trong đó Thủ đô Seoul có thể sẽ trở thành một trong những mục tiêu tấn công đầu tiên của Bình Nhưỡng.
Và để đảm bảo mạng sống cho 10 triệu dân trước mối đe dọa của hàng nghìn khẩu pháo Triều Tiên nằm cách đó chỉ 50km, chính quyền Hàn Quốc đã tích cực xây dựng và gia cố hàng loạt hầm trú ẩn ngầm dưới lòng đất tại Seoul.
Ngoài Seoul, Hàn Quốc cũng xây dựng mạng lưới hầm trú ẩn tại nhiều thành phố khác với con số ước tính khoảng 18.000 hầm trên cả nước. Tuy nhiên, so với hầm trú ẩn của các nước Nga, Mỹ, Úc, Đức, hầm trú ẩn của Hàn Quốc không được đánh giá cao về độ an toàn.
Hầm trú ẩn của Đức hay Mỹ thường được xây dựng kiên cố đến mức có thể trụ vững trước các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân tầm gần, vũ khí hóa học, động đất, sóng thần, xung điện từ và hầu như bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào. Trong khi đó, hầm trú ẩn của Hàn Quốc chỉ có tác dụng với cuộc tấn công thông thường.
Nếu so với những loại hầm trú ẩn của giới thượng lưu châu Âu, khi mà hầm tiện nghi đến mức người ta có được đầy đủ các dịch vụ từ nhà hàng, rạp chiếu phim, bệnh viện, trường học... thì hầm trú ẩn của Hàn Quốc thua xa.
Phần lớn các hầm trú ẩn ở xứ sở Kim Chi không có mặt nạ chống độc và các trang thiết bị cần thiết khác. Một quan chức Seoul cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu ngân sách để mua sắm.
Tuy nhiên, gần đây khi căng thẳng leo thang, Hàn Quốc đã nỗ lực cải tạo hệ thống hầm này. Seoul đang chuẩn bị các kế hoạch để đối phó với tình huống khẩn cấp, bao gồm việc phát hành ứng dụng trên mạng bằng cả tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc, trong đó chỉ cho người dân tới hầm trú ẩn gần nhất cũng như hướng dẫn họ cách thức xử lý trong trường hợp nghe thấy còi báo động. Ngoài ra, ứng dụng bản đồ tương tác trực tuyến cũng đã được đưa vào sử dụng.
Nhiều cuộc diễn tập phòng thủ dân sự ở dưới hầm cũng được Chính phủ nước này tổ chức. Trong các cuộc diễn tập, người dân được nhân viên sơ tán hướng dẫn đến hầm trú bom gần đó hoặc các hành lang đi bộ ngầm để tìm chỗ ẩn nấp. Những buổi diễn tập sơ tán phòng các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học cũng thường xuyên diễn ra.
Sự thờ ơ của người dân
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tăng cao với những lời đe dọa từ phía Mỹ và Bình Nhưỡng, cùng những dự đoán mới nhất về việc Triều Tiên đã hoàn thiện tên lửa có chứa đầu đạn hạt nhân. Trước thực trạng này, Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực đẩy mạnh việc tìm các giải pháp nhằm đối phó với nguy cơ bị tấn công có thể xảy ra.
Thế nhưng, giữa lòng Thủ đô Seoul, nơi được cho là dễ trở thành mục tiêu phá hủy nhất, cuộc sống vẫn đang tiếp diễn đầy bận rộn và rất nhiều người dân thú nhận họ không biết trạm trú ẩn gần mình nhất ở đâu nếu như việc đánh bom xảy ra. Rất nhiều người Hàn Quốc không biết rằng những nơi họ thường xuyên qua lại để mua sắm, bắt tàu hay đỗ xe lại chính là các hầm trú ẩn ngầm để bảo vệ họ.
“Tôi thậm chí còn không nghĩ đến những hầm trú ẩn này. Tôi chưa từng lên kế hoạch trong đầu về việc sẽ làm gì trong trường hợp Triều Tiên tấn công và tôi nghĩ nhiều thanh niên Hàn Quốc giống như tôi, cũng không xem đó là điều quá nghiêm trọng”, Oh Sun Jin, một nhân viên ngân hàng, cho biết.
“Chúng tôi không nghĩ nhiều về vấn đề đó và chúng tôi cũng không quan tâm lắm”, Yoo Ji Sang, nhân viên bồi bàn 25 tuổi, nói khi được hỏi về tình hình căng thẳng hiện nay. Yoo hoàn toàn ngạc nhiên khi biết rằng Seoul, quê nhà của cô, có tới hơn 3.000 hầm trú ẩn.
Theo chia sẻ của nhiều người dân Hàn Quốc, họ cảm thấy cộng đồng quốc tế dường như đang thổi phồng quá mức tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. “Những người nước ngoài có thể nghĩ về điều đó (sự căng thẳng), nhưng chúng tôi thì không”, Oh Sun Jin cho biết.
“Tôi không lo sợ một cuộc tấn công vì tôi đã sống ở Hàn Quốc hơn 50 năm rồi. Khả năng xảy ra xung đột gần như là 0%”, Park Young Bae, một nhân viên công nghệ thông tin, nhận định.
Xem thêm >> Vì sao Triều Tiên chuyển 30 tên lửa Scud về phía Trung Quốc?