Vào vùng đất hổ vồ người ám ảnh dân bản
Để mục sở thị những khu mộ cổ nơi sơn cùng thủy tận xứ Thanh, chúng tôi đã phải hành trình suốt một quãng đường gần 160km từ TP. Thanh Hóa ngược lên miền rừng huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Từ thị trấn Hồi Xuân của huyện Quan Hóa, chúng tôi lại tiếp tục cho xe lăn bánh hơn 50km trên con đường đất đỏ quanh co, chạy uốn lượn quanh rừng núi trùng điệp nơi thượng nguồn sông Mã hung dữ, rồi vắt qua một phần đất thuộc huyện Mai Châu (Hòa Bình) mới đến được bản Phai, xã Trung Thành, nơi có những khu mộ cổ kỳ bí nằm ẩn mình trong những cánh rừng.
Đường lên xã Trung Thành (Quan Hoá).
Trung Thành (huyện Quan Hóa) là địa bàn vùng biên, nằm ở cực Tây xứ Thanh. Tìm hiểu về vùng đất này, một số người cao niên bản địa cho biết: "Trung Thành là nơi có đại đa số người dân tộc Thái sinh sống. Xưa kia, nơi đây có rất nhiều loài thú dữ, đặc biệt là hổ. Từ thời Pháp thuộc trở về trước, người dân chẳng ai dám đi vào rừng một mình, vì sợ hổ vồ.
Nếu muốn vào rừng làm nương, làm rẫy, người dân phải đi thành nhóm hàng chục người, chuẩn bị đầy đủ dao, gậy để ứng phó khi có hổ dữ xuất hiện. Đêm đến, trâu bò cũng phải nhốt cẩn thận dưới gầm nhà sàn, chứ không cột ở ngoài được. Nhà nào cũng phải làm hàng rào vây quanh vườn bằng cây nứa, cây luồng vót nhọn, để phòng tránh hổ và các thú dữ khác tìm đến trong giấc ngủ".
Ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà sàn, dưới bếp lửa bập bùng đã xua tan cái giá lạnh nơi rừng núi, ông Phạm Bá Ngọc, Trưởng bản Phai kể lại: "Tôi còn nhớ, vào một buổi trưa, cô tôi đang ngồi chải tóc ở cầu thang trước cửa nhà sàn, bỗng nhiên từ đâu có một con hổ to xông tới, vồ lấy cô tôi tha vào rừng nhanh như chớp. Người nhà liền hô hoán dân bản vác dao, gậy đuổi theo hổ để cứu cô tôi.
Tuy nhiên, khi dân bản vào sâu trong rừng theo hướng dấu chân hổ khoảng 2km, thì chỉ tìm thấy một phần thi thể của cô tôi nữa thôi. Dân bản cùng gia đình đành ngậm ngùi đem phần thi thể còn lại của cô tôi về thôn bản chôn cất và cắt cử người thay nhau canh giữ cẩn thận, tránh việc hổ đánh mùi đến bới mộ. Chỉ tính riêng trong họ hàng tôi đã có đến 3 người bị hổ vồ".
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những khu mộ cổ kỳ bí ở nơi đây, ông Ngọc đã "mách nước" rằng: "Các anh (PV) muốn tìm hiểu về vùng đất và những khu mộ đó, thì chỉ có cách tìm gặp già làng Phạm Bá Ngoằng. Chỉ có già Ngoằng mới dám vào những khu mộ đó thôi, còn dân bản không ai dám vào đâu, vì khi nhắc đến mồ mả là người dân sợ mạo phạm đến chốn linh thiêng".
Sau một đêm nghỉ lại ở bản Phai, theo lời giới thiệu của ông Ngọc, chúng tôi đã tìm gặp già Ngoằng từ sáng sớm. Gặp chúng tôi, già Ngoằng tự hào: "Nơi đây tuy rừng núi hiểm trở, nhưng lại là vùng đất thiêng, có nhiều điều kỳ bí. Theo người trước truyền lại, thì đây chính là vùng đất mạch rồng, nên đời sống bà con ngày càng hưng vượng. Từ hòn đá thủy thần bốn chân, đến tảng đá Han dưới dòng suối Quýt linh thiêng và những khu mộ cổ trong rừng đều được dân bản chúng tôi tôn thờ".
Già Ngoằng bên phiến đá của một ngôi mộ cổ tại khu rừng của gia đình anh Hà Minh Tâm, bản Phai, xã Trung Thành (Quan Hoá).
Theo chân già làng vào khu mộ cổ
Biết chúng tôi muốn vào khu mộ cổ, già Ngoằng khẳng định: "Những ngôi mộ cổ nằm bên dòng suối Tàu ở bản Phai chính là nơi linh thiêng nhất. Ngay cả ban ngày, nhiều người dân vẫn không dám vào khu vực này một mình đâu. Nếu các chú (PV) muốn vào thì tôi dẫn đi". Nói xong, già Ngoằng vào nhà khoác vội chiếc áo ngoài, rồi dẫn chúng tôi vào khu mộ.
Trên đường độc bộ vào khu mộ, chúng tôi hỏi già Ngoằng: "Tại sao khi hỏi đường vào những khu mộ này, người dân nơi đây lại tỏ ra nghi hoặc, không chỉ đường?". Chúng tôi vừa dứt lời, già Ngoằng cười đáp lại: "Vì dân bản xem những khu mộ này là nơi linh thiêng, sợ người lạ vào làm điều xấu hoặc đào phá, nên họ mới không muốn chỉ đường. Trong thực tế, trước đây, có một số người lạ vào khu mộ, rồi không biết do hiếu kỳ hay muốn tìm cổ vật, của nả gì, nên đã đào phá một vài ngôi mộ rồi. Có trường hợp khi người lạ đang đào mộ thì bị người dân bắt gặp, nên vội vàng chạy trốn".
Sau một quãng thời gian theo già Ngoằng đi bộ lòng vòng dưới tán cây rừng, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến được khu mộ. Đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng: Hơn chục ngôi mộ với hình dạng khác hoàn toàn so với những ngôi mộ của người Kinh, nằm ẩn mình dưới tán cây rừng rậm rạp, thâm u.
Qua quan sát, chúng tôi thấy, có một ngôi mộ ở đây dài khoảng 7m, còn các ngôi mộ khác có chiều dài khoảng 5 -6m. Ở phần đầu và phần cuối các mộ đều được chôn các phiến đá lớn theo hướng dựng đứng. Phiến đá phần đầu lớn hơn phiến đá cuối mộ. Nhiều phiến đá to cỡ chiếc chiếu, cao từ 2 đến 4m, rộng hơn 1m, dày khoảng từ 10 đến 20cm. Tất cả những phiến đã chôn ở phần đầu và phần cuối mộ dường như đã được ghè đẽo.
Theo lời già Ngoằng, trong tất cả những ngôi mộ ở đây, chỉ có một ngôi mộ có ghi chữ, giống chữ Hán ngay trên phiến đá chôn ở phần đầu mộ, nhưng hiện phiến đá này đã bị gãy mất, không còn nữa. Hiện nay, tại bản Phai (xã Trung Thành) có tới hai khu mộ thế này. Đây là khu mộ nằm trong rừng của gia đình anh Hà Minh Tâm. Khu mộ còn lại nằm cạnh dòng suối Tàu, trong rừng sâu, cách khu dân cư khoảng 4 - 5 ngọn đồi, giữa bốn bề cây rừng rậm rạp.
Nói đến nguồn gốc dân tộc Thái đang sinh sống nơi đây, già Ngoằng khẳng định: "Người dân tộc Thái chúng tôi đến vùng đất này lập nghiệp từ thế kỷ XVII. Khi đến đây, đã thấy có những ngôi mộ này rồi. Trước đây, có một ngôi mộ lớn đã được đào thử. Khi đào xuống sâu khoảng 1m, người ta thấy có lớp than đen. Do sợ vấn đề tâm linh, người dân đã lấp lại. Qua bao biến thiên của thời gian, nhiều phiến đá đã bị đổ nghiêng hay trâu bò làm gãy, nên chỉ còn phần chân. Người Thái hiện nay vẫn chôn cất người thân trong các khu rừng. Sau khi chôn cất, người thân sẽ đặt những viên đá nhỏ xung quanh mộ, để đánh dấu và tránh bị loài thú lớn như trâu, bò xâm hại, chứ bây giờ không còn chuyện hổ về bản làng quậy phá nữa đâu".
Khi nhắc đến những khu mộ cổ này, không chỉ có ông Ngoằng, mà dường những tất cả cư dân bản Phai đều không lý giải được nguồn gốc và những điều bí ẩn xung quanh nó. Nhiều cụ cao niên trong bản Phai khẳng định: Ở vùng đất này không có loại đá giống như những phiến đá được chôn dựng đứng trên những ngôi mộ đó.
Những vấn đề liên quan đến khu mộ này vẫn còn là một điều bí ẩn, mà ngay cả người dân bản địa ở đây vẫn không thể lý giải được, chẳng hạn: Đây là mộ của tộc người nào, có từ bao giờ? Những phiến đá này được vận chuyển từ đâu về? Trong địa hình rừng núi hiểm trở, làm cách nào để vận chuyển được những tảng đá nặng hàng tấn như vậy? Những tảng đá này được ghè đẽo cách nào để thành tấm lớn như thế?...
Người dân địa phương cho biết, ngoài hai khu mộ tại bản Phai, trên địa bàn xã Trung Thành còn có một khu mộ tương tự tại bản Trung Lập và một khu tại bản Trung Thắng. Ngoài ra, ở xã Thành Sơn cũng có một khu mộ như thế tại bản Bai. Được biết, vào năm 2000, các nhà khoa học cũng phát hiện một khu mộ đá tại bản Co Me thuộc xã Trung Sơn.
Trao đổi với báo giới về những khu mộ kỳ bí này, TS Phạm Văn Tuấn, Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Thanh Hóa cho hay: "Trước đây, chúng tôi chỉ biết những ngôi mộ ở bản Co Me, xã Trung Sơn, còn những khu mộ ở xã Trung Thành thì chưa từng nghe tới. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, nếu có thật, sẽ phối kết hợp với các nhà nghiên cứu về mộ cổ để tìm hiểu".
Văn Cương