Là con sông lớn nhất xứ Thanh, sông Mã có vị trí đặc biệt quan trọng đối với lịch sử, văn hóa, xã hội của đất nước. Phù sa sông Mã tạo nên vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn, cội nguồn của nền văn minh Đông Sơn rực rỡ và những vương triều xuyên suốt mấy ngàn năm.
Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, “khi nói đến nền văn minh sông Hồng mà không quan tâm đến con sông Mã thì nền văn minh này trở nên khập khiễng”. Bởi sông Mã mang những nét độc đáo mà chỉ riêng dòng sông này mới có.
Hiếm con sông nào có nhiều tên gọi như sông Mã. Nậm Mạ, Nậm Ma, Nậm Má, Nậm Mã, Tất Mã, Lỗi Giang, Định Minh, Nguyệt Thường, Lễ Giang, Hội Thường..., đều là tên gọi của dòng sông hùng vĩ, tùy sự ảnh hưởng vào con người và văn hóa những vùng đất nó chảy qua. Ngay như nguồn gốc của tên gọi phổ biến nhất, “sông Mã”, vẫn còn là bí ẩn với nhiều người.
Cách gọi khác biệt của nhà văn
Xuôi về phía nam của Hà Nội, tôi đến phố Vọng, tìm gặp nhà văn Nguyễn Khôi. Ông Nguyễn Khôi sinh năm 1938, người ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh), nhưng có hơn 20 năm gắn bó với con người và miền đất thượng nguồn sông Mã. Ông từng giữ chức Trưởng ty Văn hóa, thư ký cho Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trước khi trở về Hà Nội năm 1984, tiếp tục tham gia công tác quản lý liên quan đến vùng đất Tây Bắc này.
Vào đầu năm 2012, trong khoảng ba tháng, nhà văn Nguyễn Khôi đã hoàn thành tập “Sơn La ký sự” gồm 52 bài tùy bút, hồi ức, thơ, sưu tầm, ghi chép về bản cũ mường xưa, miền đất ông từng sinh sống. “Sơn La ký sự” được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La từ ngày 18/12 đến ngày 27/12/2013.
Điểm gây chú ý là trong “Sơn La ký sự”, nhà văn Nguyễn Khôi có cách gọi tên và nhận định khá khác biệt về nguồn gốc tên gọi của dòng sông Mã. Đó chính là lý do tôi tìm đến ông, mong muốn có thêm những kiến văn của bậc tiền bối xung quanh vấn đề mà tôi đang quan tâm. Tiếc rằng nhiều dịp qua lại mà chưa được gặp.
Cụ thể, ở bài viết số 7 mang tên “Sông Chó”, nhà văn Nguyễn Khôi cho rằng, sông Mã là sông Chó. Không chỉ ở tiêu đề mà ngay từ những câu đầu tiên của bài viết, ông đã nhấn mạnh điều này và còn nhiều lần nhắc lại. Cơ sở của điều này bắt đầu từ tên gọi dòng sông của người Thái bản địa: “Sông Nậm Ma”.
Ông viết: ““Ma” tiếng Thái có nghĩa là con chó - có lẽ vì ở thượng nguồn dốc nước chảy xiết kêu như chó sủa”. Ông cũng phủ nhận lập luận rằng sông Mã là sông Mẹ, sông Cái... như cách nghĩ của một số người, bởi vì chữ “Mẹ” trong tiếng Thái là “Êm” chứ không phải là “Mạ””.
Ông chia sẻ những trải nghiệm, vốn sống của mình về vùng thượng nguồn sông Mã để củng cố việc hình dung tiếng suối nhỏ chảy nghe như chó sủa.
Đành rằng ngôn ngữ của người Thái có đến 8 thanh điệu, nên Ma/Mà/Má/ hoặc Mả/Mã/Mạ... có thể khiến người nghe khó phân biệt, nhưng người nói chắc chắn hiểu rõ mình muốn nói gì. Tôi từng nghe anh Lù Trọng Đại, người Thái, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Mường Tè (Lai Châu) tâm sự: “Ngày trước, mẹ tôi đi làm rồi đẻ rơi trên bờ ruộng, nên đặt tên tôi là Rơi. Chữ này tiếng Thái phát âm khó, ở quãng giữa của chữ Đải và Đại. Sau này đi học, tôi được khai sinh là Đại, dù phát âm gần với chữ Đải hơn”. Trong trường hợp này, có lẽ suối Nậm Mạ không liên quan gì đến loài chó, dù chó là vật yêu của người Thái. Nó cũng không hợp với cách định danh của người Thái theo suy luận của nhà văn Nguyễn Khôi.
(Còn tiếp)
Lê Quân