Khám phá miền sông Mã: Ngôi nhà của người Việt cổ 6 vạn năm trước

Khám phá miền sông Mã: Ngôi nhà của người Việt cổ 6 vạn năm trước

Nguyễn Thị Thùy Ngân

Nguyễn Thị Thùy Ngân

Chủ nhật, 09/04/2017 16:52

Đặt chân đến hang Con Moong, tôi được tận hưởng cảm giác một mình trong ngôi nhà của những người nguyên thủy, những người sống cách chúng ta khoảng 4 – 6 vạn năm.

Từ đường Hồ Chí Minh, đoạn cách không xa ranh giới hai tỉnh Thanh Hóa – Hòa Bình, rẽ vào chừng hơn 10km thì tới khu vực UBND xã Thành Yên. Từ đây, theo đường cấp phối đi thêm 5 km sẽ thấy hang Con Moong tọa lạc trên lưng chừng ngọn núi đá làng Thành Trung.

Xã hội - Khám phá miền sông Mã: Ngôi nhà của người Việt cổ 6 vạn năm trước

 Hang Con Moong tọa lạc trên lưng chừng ngọn núi đá.

Thả bộ qua cây cầu đá bắc ngang con suối khô cạn, tôi chậm rãi leo lên dốc đá mà xã Thành Yên mới tạm kê lại cho dễ đi, tiến đến cửa hang Con Moong. Khoảng hơn 100 bước chân, tôi chạm tới bãi đất trống rộng rãi có nhiều cây cổ thụ phủ bóng. Một cửa hang rộng, vòm trần cao thoáng hiện ra, im lìm, trầm mặc trong cơn mưa rừng khiến khách độc hành không khỏi có cảm giác gai gai nơi sống lưng. Dợm thêm mấy bước nữa, ngoài thứ ánh sáng đèn điện mà hôm trước người ta quên không tắt, phía cuối hang chợt ùa vào ánh sáng của trời. Một cửa hang nữa lộ ra, rộng không kém, hướng vào một thung lũng rộng rãi kín đáo.

Tôi bước trên lối lan can sắt được lắp ghép kiên cố trải dài trong lòng hang, đi xuyên ngọn núi về phía đầu hang bên kia, cố tận hưởng cảm giác một mình trong ngôi nhà của những người nguyên thủy. Theo công bố của các nhà khảo cổ học, nơi đây từng có vết tích của người xưa sinh sống, cách chúng ta khoảng 4 – 6 vạn năm, thể hiện qua những di vật khảo cổ thu được từ các hố thám sát chi chít dưới nền hang. Các tầng lớp trầm tích cũng cho thấy, bóng dáng của con người hiện diện liên tục tiếp nối mãi về sau, dường như không đứt đoạn theo thời gian.

Nếu coi đây là một ngôi nhà, nó đủ cung cấp bền vững cho một gia đình lớn sinh sống an toàn và no đủ. Lòng hang rộng, thông thoáng mà kín gió. Phía trước, hang cách mặt đất hơn 30m, lối đi đủ dốc để ngăn cản thú lớn có thể trèo lên đe dọa tính mạng người. Ngay chân núi là con suối cạn uốn lượn, đủ nước cho sinh hoạt và tưới tắm cho cả cánh đồng màu mỡ phía trước mặt. Bảo vệ cửa hang trước, người ta có thể sinh hoạt hàng tháng với khuôn viên phía cửa hang sau, kín đáo mà vẫn không thiếu ánh sáng, thực phẩm.

Một nơi ở lý tưởng như vậy, tiếc rằng sao không có dấu tích của các tao nhân ẩn sĩ tìm tới dựng am cỏ lánh đời đọc sách, như rất nhiều hang núi khác tại xứ Thanh? Ngược dòng thời gian, tới tận giữa thế kỷ trước, vùng đất này vẫn là nơi hoang vu, dã thú từng đàn, cư dân thưa thớt, mỗi xã chỉ hơn 20 nóc nhà sàn. Nhà văn Đái Đức Tuấn (bút danh TchyA) từng sống ở nơi này, khi cha ông là quan huyện Thạch Thành thời thuộc Pháp. Trải nghiệm thực tế tại vùng đất Pù Luông – Cúc Phương đã cho ông những trang viết khủng khiếp qua các loạt truyện đường rừng chuyên về thần hổ, ma trành. Đến bây giờ, Thành Yên vẫn là nơi sâu xa và khó khăn bậc nhất của huyện Thạch Thành.

Gặp người đàn bà họ Đinh ngoài 50 tuổi đang lúi húi bên ruộng mía vừa thu hoạch, tôi hỏi chuyện ký ức của bà về hang Con Moong. Bà chẳng lạ gì, vì bà sinh ra và lớn lên tại làng Thành Trung này, đến nay vẫn đang cày cuốc chăm bẵm mảnh ruộng ngay phía trước cửa hang. Hỏi sao hang lại có tên là Con Moong, bà bảo: “Con Moong theo tiếng địa phương là con thú hay con hổ gì đấy. Thấy các cụ truyền lại thế, chứ vì sao thì tôi cũng chịu thôi”. Tôi đành cảm ơn người phụ nữ họ Đinh tên Hình (gọi theo tên con trai), đi tìm lời giải mã ở nơi khác.

(Còn nữa)

Lê Quân

Xem thêm: 

Khám phá miền sông Mã: Cây bùa yêu hay lá hồi sinh ở vách núi đá?

Khóm cây kỳ lạ trên vách đá Pha Long bên bờ sông Mã

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.