Chùa Huệ Nghiêm là nơi lưu giữ nhiều kỉ lục Việt Nam như bộ cửa bằng gỗ lim khắc nổi Bát Bộ Kim Cương và Thập Nhị Địa Chi Thần lớn nhất, pho tượng phật A Di Đà cao 8 mét, nặng 16 tấn được chế tác từ nguyên khối gỗ giáng hương bông lớn nhất. Đặc biệt nhất là hai bộ kinh phật giới Kinh Tỳ Kheo và kinh Phạm Võng được dát vàng lóng lánh, nguy nga.
Ngôi chùa độc nhất vô nhị Sài thành
Chạy dọc theo theo đường Kinh Dương Vương hướng thẳng ra đại lộ Đông Tây, chúng tôi tìm về chùa Huệ Nghiêm, ngôi chùa được xem là rộng và độc đáo nhất Sài thành. Vừa tới cổng chùa chúng tôi đã hết sức ngạc nhiên bởi quang cảnh rộng lớn và nguy nga bởi những Tháp bảo cao lớn với nhiều kiến trúc đền đài tuyệt đẹp. Với diện tích 29000 m2, chùa Huệ Nghiêm sở hữu nhiều nét độc đáo hiếm có nhất của một ngôi chùa được mệnh danh là độc nhất Sài thành.
Tượng phật A Di Đà được chế tác từ loại gỗ quý giáng hương bông, cao lớn kỷ lục
Chùa Huệ Nghiêm do Hòa thượng Thích Thiện Hòa khai lập vào ngày 11/11/1962. Hòa thượng sinh năm 1907, người làng Tân Nhựt (Chợ Lớn), xuất gia thọ giới tổ Khánh Hòa tại Phật học đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh) vào năm 1935. Sau đó, ngài theo học nhiều Phật học đường ở miền Trung và miền Bắc từ năm 1936 đến 1948. Ngài là một danh tăng lỗi lạc của Việt Nam về truyền giới, kiến thiết và trước tác. Hòa thượng Thích Thiện Hòa viên tịch ngày 7/2/1978.
Với tổng thể kiến trúc độc đáo, chùa Huệ Nghiêm đang xây dựng khu Giới Đài, đây là một quần thể kiến trúc hình chữ Sơn độc đáo, bao gồm nhiều hạng mục trang nhã. Ngự trên cổng tam quan là vị Hộ Pháp, hai bên cổng là hai câu đối ý nghĩa cao sâu, huyền bí được chạm khắc trực tiếp lên cột gỗ, các chữ được dát vàng lóng lánh. Bên trong có tượng phật Tỳ Lô cao 2,3m, nặng 1,8 tấn ngự trên đài sen có 200 cánh, mỗi cánh sen có khắc nổi hình đức phật Thích Ca. Tam thân phật tựa lưng nhau hướng ba cõi, cao 2,1m nặng gần 7 tấn. Gồm cả bốn bức tượng phật được nâng bởi đài sen cao 2,2m, nặng 2 tấn, trên đó có 1.000 cánh sen, trên mỗi cánh cũng khắc nổi hình phật Thích Ca. Các tượng phật và đài sen đều được tạo tác từ những khối gỗ nguyên (gõ đỏ) nhập từ Nam Phi. Giới Đài là nơi thụ giới, tu học của người xuất gia, là quần thể gồm nhiều hạng mục, trong đó có Sám Hối đường là một ngôi kiến trúc với chiều cao 21m, chiều dài 34m và chiều rộng 20m. Theo Hòa thượng Thích Minh Thông, phó Tăng sự Trung ương, phó Trụ trì chùa Huệ Nghiêm, người đặc trách khu Giới Đài cho biết: "Khu Giới Đài là nơi thụ giới, tu học, nghiên cứu sâu và hành trì giới luật đúng mực theo tinh thần của người xuất gia. Đặc biệt, Giới đài được xem là nơi nghiên cứu, truyền dạy và đào tạo nên những bậc làm thầy chuyên về gìn giữ giới luật đầu tiên ở nước ta".
Bên trong Sám Hối đường thờ tượng tôn trí Cửu Thể Di Đà tượng trưng cho chín phẩm. Cửu Thể Di Đà gồm có 9 pho tượng Đức Phật A Di Đà, trong đó có 8 pho tượng bằng gỗ, mỗi tượng cao 3,6m, nặng 2 tấn đặt dọc theo Sám Hối đường và một tượng Đức Phật A Di Đà đặt ở chính giữa cao 8m, nặng 16 tấn. Đặc biệt, pho tượng này được tạo tác từ nguyên một khối gỗ có đường kính 2,6m mà tuổi thọ có thể lên đến cả ngàn năm tuổi. Cả 9 pho tượng Cửu Thể Di Đà đều được tạo tác từ gỗ Giáng Hương bông. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện, Thượng tọa Thích Minh Thông - Phó trụ trì chùa Huệ Nghiêm thường xuyên gặp gỡ nhóm thợ nhằm truyền đạt ý tưởng về một bảo tượng Đức Phật A Di Đà. Nhờ vậy, những người thợ đã lĩnh hội để thể hiện nên sự trang nghiêm, từ bi của Đức Phật A Di Đà và phảng phất đường nét Việt trên khuôn mặt của Ngài.
Nơi lưu giữ nhiều kỉ lục Việt Nam độc đáo
Ngoài hai bộ kinh được dát vàng và áp trên tường, chùa còn giữ hai kỷ lục Guinness Việt Nam, chùa còn sở hữu bộ cửa bằng gỗ lim khắc nổi Bát Bộ Kim Cương và Thập Nhị Địa Chi Thần lớn nhất và pho tượng phật A Di Đà cao 8 mét, nặng 16 tấn được chế tác từ nguyên khối gỗ giáng hương bông lớn nhất. Pho tượng Đức Phật A Di Đà này được thực hiện từ tháng 2/2007 đến tháng 10/2008 và được tôn trí vào ngày 28 tháng chạp năm Mậu Tý (11/2/2009) trong Sám Hối đường thuộc khuôn viên Giới Đài của chùa Huệ Nghiêm.
Hai bộ kinh được dát vàng là Giới Kinh Tỳ Kheo và bộ kinh Phạm Võng. Giới Kinh Tỳ Kheo được chạm khắc tinh tế trên đỉnh mái vòm của đức phật Tỳ Lô. Có đến 5.400 chữ của 250 Giới Kinh Tỳ Kheo được dát vàng 24k. Còn bộ kinh Phạm Võng được áp trên bốn mặt tường bao quanh Giới Đài, có tổng cộng hơn 16.000 chữ của bộ kinh Phạm Võng được khắc vuông vắn, đều đặn, hàng lối ngay ngắn. Các chữ đều được dát vàng 24k tươi sáng, nét chữ hài hòa, trang nhã. Còn Phật đài ngự trên bậc tam cấp vòng thành xây từ đá hoa cương. Trên mỗi bậc tam cấp đều chạm nổi hình Hộ Pháp. Tổng cộng có 72 vị Hộ Pháp được chạm khắc tinh tế, đường nét thanh thoát, uy nghi, mỗi vị mỗi vẻ...
Khu vực Chánh điện chùa Huệ Nghiêm được bài trí hết sức tôn nghiêm, trầm mặc. Chính giữa tôn trí bộ tượng Thích Ca Tam Tôn (Phật Thích Ca, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền), ở phía trước điện thờ là thờ ba vị. Bên phải chánh điện là tượng Địa Tạng, còn bên trái là tượng Quan Âm. Trước hai tượng Địa Tạng và Quan Âm cũng ở hai góc bên trái, bên phải là hai tượng Hộ Pháp. Đặt trước chánh điện là tượng Di Lặc. Tất cả đều bằng gỗ. Có tượng bằng gỗ gõ đỏ, có tượng bằng gỗ giáng hương bông, có tượng bằng cây xuyên mộc đều được tạo tác ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Những người Phật tử bước vào chiêm bái nếu để ý sẽ nhận ra nét hoành tráng và đặc thù của bộ cửa mở vào chánh điện. Bộ cửa này dài 15,2m, cao 3,2m được làm bằng gỗ Lim (một loại thiết mộc) gồm 20 tấm. Trong đó, mỗi tấm cao 3,2m, ngang 0,76m.
Ở giữa Chánh điện thờ Thích Ca Tam Tôn, gồm Phật Thích Ca (cao 4,7m, nặng 9 tấn ), Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát (mỗi tượng cao 3,6m và nặng 5 tấn). Tượng Phật Thích Ca rộng mở, đại chúng giữa khu hoa viên xanh mát, thơ mộng (Bức tượng do Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn chế tác) Tất cả các tượng được tạo tác từ các loại gỗ quý nguyên khối như: Giáng hương bông, gõ đỏ, xuyên mộc.
Ngoài ra, chùa còn có bộ cửa được chạm khắc rất điêu luyện, đường nét công phu, chi tiết và sống động, nhìn vào rất có hồn khí, kỳ ảo. Sách Kỷ lục Guinness Việt Nam đã công nhận bộ cửa bằng gỗ lim khắc nổi Bát Bộ Kim Cương và Thập Nhị Địa Chi Thần là lớn nhất Việt Nam. Phía hai ô cửa nằm về bên phải và bên trái của bộ cửa gồm 8 tấm khắc nổi Bát Bộ Kim Cương thì 12 tấm nằm nơi 3 ô giữa lại khắc nổi 12 vị thần biểu trưng cho Thập Nhị Địa Chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. 8 vị Kim Cương và 12 vị thần này được những người thợ khắc nổi ngay chính giữa của từng tấm với chiều cao 1,06m, ngang 0,45m. Bộ cửa bằng gỗ Lim này được những người thợ thực hiện trong năm 2005 tạo nét điêu khắc công phu, điêu luyện, độc đáo nơi cửa Phật.
Nơi giúp tâm thanh tịnh, từ bỏ bến mê Sau Giới Đài là khu Tịnh Nghiệp đường. Theo hòa thượng Thích Minh Thông, Tịnh Nghiệp đường là nơi chư tăng, chúng sanh sám hối về tội lỗi mình đã gây ra, từ đó giúp thân tâm thanh tịnh, rời bỏ bến mê quay về bờ giác... Bên trong Tịnh Nghiệp đường có Cửu thể Di Đà, tượng trưng cho chín phẩm của người tu Tịnh Độ được vãng sanh về thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Cửu thể Di Đà có 8 pho tượng cao 3,6m, nặng 2 tấn được đặt dọc hai bên gian phòng Tịnh Nghiệp đường và 1 pho tượng phật A Di Đà cao 8 mét, nặng 16 tấn được chế tác từ nguyên khối gỗ đường kính 2,6m và tuổi thọ có thể lên đến ngàn năm. Đây là pho tượng được sách Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là pho tượng phật A Di Đà bằng gỗ cao lớn nhất Việt Nam. |
Mai Phong