Mặc cho những hậu quả đáng sợ trên, nhiều người chúng ta hiện đang vô tư “tiêu thụ” gấp 5 lần mức khuyến nghị của Hiệp hội tim mạch Mỹ. Tương đương nữ giới đang hấp thu 30 muỗng đường, nam giới hấp thu 45 muỗng đường hàng ngày.
Tôi đoán chắc bạn đang ngạc nhiên và tự hỏi: làm thế quái nào mà anh cho rằng tôi ăn tới 30-45 muỗng đường hàng ngày được?
Thực tình là đường ẩn chứa khắp mọi thức ăn, có đến 75% đồ ăn bạn ăn có chứa đường. Đường có trong các thức uống đóng chai, nước ngọt, nước trái cây, chè, sinh tố, trái cây (nhất là trái cây sấy khô), mứt, sữa hộp, sữa chua, nước chấm, nước tương, nước sốt, và cuối cùng là thứ mà người Việt chúng ta ăn hàng ngày: tinh bột, bao gồm: các loại đậu, khoai tây chiên, mì sợi, cơm và bánh mì trắng,…
Những gì tôi liệt kê ở trên có thể khiến bạn sốc. Khi ăn cơm nghĩa là bạn đang ăn đường ở dưới dạng khác. Tinh bột khi tiêu hóa được cơ thể chuyển hóa thành đường và khi bạn ăn nhiều, chúng cũng gây tác hại y như khi bạn ăn đường trong viên kẹo hay ly chè.
Đồ ngọt không phải bạn tốt vì vậy hãy dẹp chúng ra khỏi bữa ăn. Đương nhiên điều này đồng nghĩa với việc bạn phải để ý nghiên cứu dinh dưỡng hơn, hy sinh ham muốn hơn và thậm chí là phải xắn tay vào bếp để tự chuẩn bị bữa ăn cho mình.
Bạn có thể dừng ở đây nếu bận không thể đọc tiếp vì đã biết được ý chính của bài này rồi. Tuy nhiên nếu bạn tiếp tục đọc và khám phá những điều kì diệu sẽ xảy ra khi bạn cai đường, tôi dám chắc bạn sẽ đồng ý với tôi rằng nó hoàn toàn xứng đáng.
1. Làm chậm quá trình lão hoá
Bạn có biết đường gây lão hóa không?
Trong quá trình tạm dịch là: đường hóa, các phân tử đường sẽ gắn vào hoạt chất collagen trong da và các bộ phận khác trong cơ thể con người. Điều này gây viêm và giảm hiệu quả của collagen và elastin – hai loại protein có tác dụng giúp da duy trì sự trẻ trung.
Khi điều này xảy ra, da bạn sẽ trông kém sắc, khô sần và xấu xí !
Mặc dù quá trình đường hóa không thể bị ngăn cản hoàn toàn, nhưng nó có thể được kìm hãm. Kiêng ngọt là sự lựa chọn tốt nhất.
Bạn không cần phải nghi ngờ tôi, một nghiên cứu trên 600 người đàn ông và phụ nữ cho thấy những ai có đường huyết cao rõ ràng già hơn những ai đường huyết thấp hơn. Với mỗi 180g đường/lít máu tăng thêm, tuổi cơ thể của họ cao thêm 5 tháng. Điều này đặc biệt dễ thấy nhất ở những người bị bệnh tiểu đường. Hãy quan sát những người tiểu đường mà bạn biết, trông họ thật già nua và đáng thương phải không nào ?
Bên cạnh đó, Viện nghiên cứu Viêm da của Hoa Kỳ còn khẳng định, quá nhiều đường sẽ gây nên mụn trứng cá và các vết thâm trên bề mặt da.
Nói cách khác, một khi bạn bắt đầu cắt giảm lượng đường (và cả tinh bột), bạn sẽ sớm cảm nhận một làn da luôn tươi mới và mịn màng.
2. Kiêng đồ ngọt giúp giảm cân
Chẳng phải là quá tốt sao khi bạn chỉ thực hiện một thay đổi nhỏ và có thể chứng kiến mỡ thừa dần biến mất, đặc biệt là vùng eo và vùng hông?
Vâng! Hoàn toàn có thể, chỉ việc tẩy chay đồ ngọt và bạn sẽ trông gọn gàng đi trông thấy mà chẳng cần tốn công sức nào !
Một nghiên cứu gần đây trên 2 nhóm người:
1. Những người ăn chế độ ít đường và ít tinh bột
2. Những người ăn chế độ ít béo
Kết quả chỉ ra rằng với cùng mức năng lượng thì nhóm 1 đốt cháy nhiều hơn 325 calo/ngày so với nhóm 2. Nói một cách khác, chế độ ăn nhiều đồ ngọt chắc chắn gây tăng cân và béo phì.
Về cơ bản, việc ăn quá nhiều đường trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể tự hình thành kháng nội tiết insulin, gây lưu trữ chất béo và làm chậm quá trình trao đổi chất. Kéo dài tình trạng kháng insulin sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường, gây rất nhiều hệ luỵ cho sức khoẻ và rất khó khăn để khắc phục.
Bên cạnh đó, đường còn ảnh hưởng xấu đến chức năng của leptin. Hormone này kiểm soát sự thèm ăn và giúp gan xử lí lượng glucose trong cơ thể. Khi cả hai chức năng này của leptin bị cản trở sẽ dẫn đến tăng cân nhất là khu vực vòng 2 và là tiền thân của bệnh tiểu đường.
3. Chấm dứt “nô lệ đồ ngọt”
Bạn có thỉnh thoảng có cảm giác thèm ngọt mặc dù chỉ mới 1-2 tiếng trước đó đã nạp năng lượng rồi không? Không ngạc nhiên bởi vì đường cũng gây nghiện như cocaine vậy.
Việc nhấm nháp hoặc ăn đồ ngọt nhiều lần trong ngày đã trở thành thói quen của vô số người, đặc biệt khi họ cảm thấy stress hay buồn bã. Trên thực tế, việc thèm ăn hay thèm ngọt hoàn toàn không phụ thuộc vào cảm xúc mà là do sự rối loạn chức năng sinh học do đường là tác nhân gây ra, theo tiến sĩ Mark Hyman.
Khi tiêu thụ thực phẩm có đường, serotonin và beta-endorphin sẽ được giải phóng. Đây là hai chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm lí, giảm lo lắng và củng cố lòng tự trọng. Theo lẽ tự nhiên, não bộ chúng ta sẽ muốn quá trình này lặp lại không có điểm ngừng.
Nhưng tiến sĩ Hyman đã chỉ ra điều đáng mừng là: chỉ cần kiên định bỏ đường trong 10 ngày liên tiếp, việc trở thành “nô lệ đồ ngọt” sẽ hoàn toàn chấm dứt.
4. Cải thiện giấc ngủ hiệu quả
Đường huyết cao được đề cấp đến là nguyên nhân thứ hai gây nên chứng mất ngủ, ảnh hưởng đến 1/3 dân số Mỹ.
Đồ ngọt và tinh bột là kẻ thù của giấc ngủ ngon. Khi bạn ăn hai loại thực phẩm này trước khi ngủ, chúng sẽ làm tăng lượng đường trong máu, buộc não bộ phải làm việc liên tục để tiết hormone tự điều chỉnh. Đây là nguyên nhân khiến bạn trằn trọc khó ngủ.
Người ăn ngọt cũng dễ bị đường huyết tăng giảm thất thường. Đường huyết hạ khiến cơ thể phải giải phóng hóc môn để ổn định lại, điều này đồng thời kích thích não hoạt động và dễ khiến bạn tỉnh giấc ngoài ý muốn. Khi có đường huyết ổn định, bạn cũng sẽ có một gấc ngủ ngon hơn.
Ngoài việc làm mất ổn định đường huyết, đường và tinh bột còn là nhóm thực phẩm nhiều người dễ nhạy cảm và dị ứng. Nếu bạn trong số đó, bạn có thể gặp một số triệu chứng gây khó ngủ như ợ chua, đầy hơi, chướng bụng….
Nếu bạn thật sự cần ăn nhẹ trước khi ngủ, hãy thử sử dụng yến mạch hoặc ngũ cốc nguyên hạt. Chúng sẽ duy trì lượng đường trong máu và làm tăng mức độ serotonin trong não, duy trì một giấc ngủ yên.
5. Giảm nguy cơ bệnh tật
Nhiều nghiên cứu cho rằng bệnh hen suyễn, dị ứng, tim, hay ung thư được gây ra bởi tình trạng viêm mãn tính trong cơ thể. Tuy có một số viêm bình thường và không nghiêm trọng, nhưng khi việc nhiễu tín hiệu kháng viêm dẫn truyền đến não bộ khiến nó được kích hoạt không cần thiết hoặc mất kiểm soát, là khi đó chúng ta gặp vấn đề, dẫn đến hậu quả là những căn bệnh kể trên.
Nguyên nhân nào khiến não hiểu sai tín hiệu, và kích hoạt một phản ứng viêm, ngay cả khi không có mối đe dọa hiện hữu? Một chế độ ăn uống nghèo nàn, nhiều ngọt và tinh bột tinh chế, là một trong những thủ phạm chính.
Đường huyết tăng sau khi ăn vặt như bánh mì trắng, khoai tây chiên hoặc thậm chí 1 lon nước ngọt, làm cơ thể phát đi tín hiệu viêm gọi là cytokines.
Đường và tinh bột màu trắng là loại thực phẩm có tính axit và các chuyên gia tin rằng đây là một nguyên nhân chính của tình trạng viêm mãn tính. Việc người Mỹ trung bình tiêu thụ hơn 59kg đường và 60kg tinh bột mỗi năm thì không ngạc nhiên khi rất nhiều người đang bị bệnh tiểu đường, viêm khớp, và một loạt các vấn đề khác liên quan đến viêm.
Khi bạn kiêng đồ ngọt đồng thời thay thế tinh bột bằng trái cây, rau củ quả và tinh bột nguyên cám bạn sẽ giảm phản ứng viêm của cơ thể và do đó làm giảm nguy cơ các bệnh trên.
6. Không còn tình trạng đói cồn cào
Chúng ta thường có thói quen tiếp thêm năng lượng vào khoảng 3-4 giờ chiều khi cơ thể bỗng nhạt miệng thèm ăn. Hay sau khi đi một quãng đường dài, cảm thấy thấm mệt, chúng ta thèm một lon nước tăng lực như liều thuốc giúp đầu óc tỉnh táo.
Lí giải cho điều này, ngay sau khi được tiêu thụ, thực phẩm ngọt sẽ nhanh chóng tiếp thêm lượng đường trong máu, khiến người ta cảm thấy khoẻ khoắn và não ngừng sản xuất ra amino axit thần kinh orexin– hành động giúp não bộ lấy lại sự tập trung gần như ngay lập tức.
Tuy nhiên, do đường là chất rất dễ tiêu hoá và mau chóng mất tác dụng, khiến cơ thể quay lại tình trạng thiếu tỉnh táo. Vì vậy, người ta phải sử dụng chúng một cách liên tục, như một “chất kích thích” để duy trì tác dụng. Lâu dần cơ thể sẽ hình thành thói quen và phải phụ thuộc vào đường trong hầu hết mọi hoạt động thường ngày.
Cơ thể chúng ta dùng nhiên liệu gì để hoạt động ? Có 2 loại: loại từ ngọt và loại từ béo. Tất nhiên chúng ta nên dùng loại béo bởi vì chúng là loại vi chất dinh dưỡng cô đặc nhất. Thế nhưng thật không may, hầu hết mọi người lại thích dùng loại đồ ngọt, năng lượng nhanh đến cũng nhanh đi.
Vì vậy hãy thay thế nguồn năng lượng của bạn từ đồ ngọt và tinh bột đơn (bánh mì trắng, gạo trắng) bằng những chất béo lành mạnh và tinh bột phức (gạo nguyên cám, gạo lức, bánh mì đen, bánh mì rắc mè, khoai lang, bắp, yến mạch….), bạn sẽ chia tay tình trạng đường huyết trồi sụt gây những cơn đói cồn cào và thèm ăn vô tội vạ.
7. Tránh những căn bệnh về tâm lý
Có thể bạn hình dung thưởng thức 1 cái bánh mì kem (hay bánh ngọt nướng phủ kem) sẽ rất tuyệt vời, nhưng thực ra điều hoàn toàn ngược lại mới đúng !
Một nhà nghiên cứu tâm thần học của Anh tiến hành một phân tích về mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và sức khỏe tâm thần và kết luận rằng có một liên kết mạnh mẽ giữa việc tiêu thụ lượng đường cao và nguy cơ trầm cảm và tâm thần phân liệt.
Còn nữa, một nghiên cứu năm 2004 cho thấy dùng nhiều đường tinh luyện sẽ khiến bệnh tâm thần trầm trọng và dài thêm 2 năm.
Đường được cho rằng gây ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh theo 2 cách:
Thứ nhất, nó ngăn chặn mọi hoạt động của các hormone tăng trưởng quan trọng (BDNF), điều này sẽ tác động đến các mô thần kinh. Những người trầm cảm và tâm thần được khảo sát cho thấy họ có mức BDNF trong não rất thấp.
Đồng thời, việc đường gây ra rối loạn viêm nhiễm như đã đề cập ở trên, về lâu dài sẽ phá vỡ chức năng hệ thống miễn dịch, thậm chí tàn phá não bộ.
Trái cây tươi, nhất là các loại dâu tươi, là một nguồn thay thế tuyệt vời cho đồ ngọt. Hay thậm chí chỉ cần thêm 1 chút quế hay nhục đậu khấu vào đồ ăn cũng tạo cảm giác ngọt mà không cần đường.
Linh Lee