INS Sahyadri là tàu hộ vệ tên lửa tàng hình đa năng thuộc lớp Shivalik. Theo kế hoạch thì lực lượng hải quân Ấn Độ sẽ được trang bị hàng loạt các chiến hạm INS Sahyadri để đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của quân đội trong thời kỳ mới.
Dự án xây dựng tàu hộ vệ thuộc lớp Shivalik là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, được quân đội Ấn Độ đặc biệt quan tâm và giao trọng trách cho nhà máy đóng tàu lớn và hiện đại nhất của Ấn Độ là Mazagon Dock Limited (MDL) tại Mumbai làm chủ thầu dự án còn bản thiết kế được đảm nhiệm bởi Tổng cục thiết kế tàu chiến thuộc Bộ quốc phòng Ấn Độ (The Directorate of Naval Design (DND)'s).
Các tàu mới thuộc lớp Shivalik ra đời sẽ thay thế hàng loạt các tàu thuộc lớp frigates đã khá lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của quân đội trong tình hình mới.
INS Sahyadri được khởi đóng từ năm 2003 và sau 9 năm miệt mài làm việc không ngừng nghỉ, tức là đến năm 2012 con tàu hiện đại này mới hoàn thành xong các cuộc thử nghiệm để chính thức biên chế vào lực lượng hải quân Ấn Độ.
INS Sahyadri là chiến hạm được sở hữu các tính năng kỹ chiến thuật tiên tiến nhất hiện nay như công nghệ tàng hình và uy lực tấn công các mục tiêu trên biển, trên đất liền hơn hẳn những chiến hạm trước đây.
Chiến hạm INS Sahyadri đã chứng tỏ được sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của Ấn Độ. Sự kiện này sẽ tạo ra tiền đề phát triển và nền tảng kỹ thuật vững chắc để trong tương lai Ấn Độ hoàn toàn có khả năng cho ra đời những chiến hạm tối tân và hiện đại hơn.
Kích thước của tàu hộ vệ đa năng INS Sahyadri thuộc hạng trung so với các tàu chiến trên thế giới, chúng có chiều dài khoảng gần 143m, chiều rộng 17m và lượng giãn nước 5000 tấn.
Tàu hộ vệ INS Sahyadri được trang bị hai động cơ diesel Pielstick 16 PA6 STC kết hợp hai động cơ tua bin tăng tốc GE LM2500 cho tổng công suất lên đến 35320 kW.
Với hệ thống động cơ đẩy mạnh mẽ này sẽ giúp tàu INS Sahyadri chạy với tốc độ cực đại lên tới gần 60 km/h.
Theo các chuyên gia vũ khí đánh giá, với kích thước như trên cùng với trọng tải 6200 tấn thì vận tốc như vậy là khá lớn so với các tàu cùng loại.
Ngoài ra, với việc trang bị hỗn hợp các động cơ sẽ giúp tàu có thể duy trì được hoạt động trong trường hợp xấu, ví dụ như 1-2 động cơ bị hỏng hóc thì tàu INS Sahyadri vẫn hoàn toàn có khả năng duy trì tác chiến hoặc quay trở về căn cứ an toàn.
Đây là một trong những vấn đề lớn trong việc chế tạo các tàu chiến và đã được Ấn Độ giải quyết triệt để khi chế tạo tàu hộ vệ INS Sahyadri .
Dễ dàng xuyên thủng mọi hệ thống trinh sát của đối phương
Đặc điểm tân tiến nhất của tàu hộ vệ INS Sahyadri so với các tàu chiến khác mà Ấn Độ từng phát triển đó là INS Sahyadri sở hữu tính năng tàng hình hàng đầu thế giới.
Độ bộc lộ radar của INS Sahyadri là vô cùng thấp, chúng gần như vô hình trước các hệ thống trinh sát của đối phương.
Quân đội Ấn Độ hiểu rằng, hiện nay và trong tương lai tất cả các loại vũ khí hiện đại trên thế giới không thể thiếu chức năng tàng hình bởi vì các hệ thống trinh sát được phát triển và nâng cấp hiện đại hơn trước rất nhiều.
Chiến hạm INS Sahyadri được nhà sản xuất áp dụng tất cả những kỹ thuật tàng hình hiện đại nhất của nền khoa học kỹ thuật quân sự của Ấn Độ.
Cụ thể như INS Sahyadri được thiết kế với cấu trúc đặc biệt làm giảm diện tích phản xạ hiệu dụng của sóng vô tuyến, các thiết bị ở bên ngoài được sơn phủ bằng loại vật liệu chuyên dụng có khả năng hấp thụ sóng Radar làm giảm khả năng phát hiện của các hệ thống Radar, các hệ thống tản nhiệt được chú ý nâng cấp và được thiết kế sao cho chúng có thể tản nhiệt đều ra 4 phía xung quanh tàu nhằm để tránh các thiết bị trinh sát hồng ngoại của đối phương.
Các chuyên gia vũ khí đánh giá rằng chiến hạm INS Sahyadri đang sở hữu khả năng tàng hình vào loại hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Với khả năng tàng hình như vậy thì ngoài nhiệm vụ hộ tống, yểm trợ, chiến hạm INS Sahyadri hoàn toàn có thể thọc sâu vào lãnh hải của đối phương để tiêu diệt và tấn công các mục tiêu trọng điểm.
Sở hữu hệ thống radar và vũ khí toàn năng và siêu hiện đại
Hệ thống radar được coi là một trong những hệ thống thiết bị rất quan trọng, là thiết bị then chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tác chiến của tàu.
Hiểu được vấn đề đó, nhà sản xuất MDL đã trang bị hàng loạt các hệ thống radar tối tân cho INS Sahyadri như hệ thống radar có nhiệm vụ trinh sát và tìm kiếm, theo dõi và phân biệt các mục tiêu cả trên không, trên biển là Radar MR-760 Fregat M2EM 3-D; 4 Radar MR-90 Orekh.
Bên cạnh đó là 2 Radar ELTA EL/M 2221 STGR có nhiệm vụ điều khiển hỏa lực và hệ thống radar BEL APARNA dẫn đường chủ động cho các tên lửa.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, rất khó cho các mục tiêu có thể tránh khỏi được tầm quan sát rộng lớn, đa tầm của các hệ thống radar được trang bị cho tàu INS Sahyadri .
Cuối cùng là các hệ thống vũ khí khá đa dạng và uy lực được trang bị cho tàu hộ vệ INS Sahyadri như 8 tên lửa chống tàu hiện đại Club hoặc tên lửa BrahMos được phóng thẳng đứng và được dẫn đường chính xác có khả năng tiêu diệt cùng lúc 2-3 mục tiêu.
Trong nhiệm vụ chống ngầm thì tàu INS Sahyadri được trang bị 2 bệ hai ống phóng ngư lôi DTA-53-95 có khả năng tiêu diệt được các loại tàu ngầm khủng nhất thế giới hiện nay.
Bên cạnh các loại vũ khí tấn công thì INS Sahyadri sở hữu hàng loạt các loại vũ khí phòng thủ hiện đại có khả năng bảo vệ chiến hạm trước các cuộc tấn công từ trên biển, trên không của đối phương như 2 dàn phóng rocket RBU-6000 (RPK-8); hệ thống tên lửa phòng không Shtil-1 với cơ số 24 tên lửa phòng không tầm gần và tầm trung, hệ thống tên lửa tầm gần phản ứng nhanh Barak SAM CIWS; 2 hệ thống súng tự động AK-630 CIWS được sử dụng khi cận chiến.
Ngoài ra, khi INS Sahyadri phát hiện đang bị tấn công bằng tên lửa thì chúng có các thiết bị có khả năng phóng ra các mồi bẫy để đánh lừa các tên lửa chống hạm được dẫn đường của đối phương.
Hiện nay trong lực lượng hải quân Ấn Độ, chiến hạm INS Sahyadri là một trong những chiến hạm có khả năng phòng thủ và tấn công uy lực nhất.
Với những trang bị như trên, INS Sahyadri hoàn toàn có khả năng tác chiến độc lập và thích nghi nhanh với mọi điều kiện tác chiến của chiến trường.
Tàu hộ vệ INS Sahyadri lớp Shivalik là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa toàn diện lực lượng hải quân Ấn Độ theo cả chiều rộng và chiều sâu có khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh hải của đất nước trước bất kỳ các hành động thù địch nào từ bên ngoài.
Xem thêm >> Sức mạnh vô song từ ‘át chủ bài’ UVA Altair của không quân Nga
Tiến Phương