Tết Việt những sắc màu truyền thống
Giữa thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề, cuốn sách Tết Việt Nam xưa được coi là “món ăn” tinh thần thú vị với độc giả. Tết Việt Nam xưa được tuyển dịch từ những bài viết của các học giả Việt Nam và Pháp, hé lộ hành trình Tết của người Việt qua những nghi lễ, phong tục, thú chơi thấm đẫm “tâm hồn Việt Nam”. Cuốn sách Tết Việt Nam xưa được chia thành 3 phần chính: Nghi lễ Tết, Phong tục Tết và Thú chơi Tết.
Ở ngay phần mở đầu là một bài nghiên cứu sâu sắc, cũng là góc nhìn tổng quan về Tết cổ truyền Việt Nam của học giả Nguyễn Văn Huyên. Ông khẳng định, Tết theo lịch âm ở châu Á là một ngày lễ được người An Nam tổ chức long trọng nhất năm.
Thời điểm đón Tết, ý nghĩa thiêng liêng của Tết với từng cá nhân, với dân tộc, chuẩn bị cho ngày Tết, lễ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp, đón Tết, vui Tết, suy nghĩ của người dân về Tết… được liệt kê chi tiết và thi vị. Cũng bởi ý nghĩa thiêng liêng của Tết, Tết vẫn tồn tại mãi mãi với chúng ta, bất chấp sự khắc nghiệt của thời đại và sự đóng góp ít nhiều rời rạc của những quan niệm mới về đạo đức hay về những phản xạ tâm lý mới.
Phần 2 Phong tục Tết có lẽ là phần thú vị nhất đối với độc giả, với những bài viết về Tết qua góc nhìn của nhà văn, du khách, học giả người Pháp và quốc tế. Họ có cái nhìn mới mẻ, lạ lẫm, đôi khi là sai lầm, giống như sự tưởng tượng xa lạ về Tết Việt.
Sống và làm việc nhiều năm ở Đông Dương, nhà văn Pháp Jean Marquet có bài viết thú vị Tết ở làng quê. “Thật ngọt ngào biết bao khi thấy trước được những bữa tiệc linh đình, những cuộc nhậu nhẹt, những ván bài, những trận chọi gà, là những lời chúc thân tình mà những ngày Tết sẽ lan tỏa trên các gia đình ở phương nam thái bình!”.
Nâng niu từ ngàn đời
Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới, cho hay: “Tôi đặc biệt ấn tượng khi đọc những bài viết của các học giả, du khách phương Tây về Tết Việt Nam. Giống như một người khách đi du lịch, tới một đất nước xa lạ, tiếp xúc nền văn hóa mới thường có sự so sánh với văn hóa bản địa. Quá trình quan sát và so sánh đó đã làm bật ra sự khác biệt thú vị”.
Ông Nguyễn Quốc Hải, Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE), chia sẻ: “Những giai phẩm, ấn phẩm về Tết xưa là hoài niệm nhắc nhở cho mỗi người, người lớn và lớp trẻ thấy rõ văn hóa truyền thống, cốt cách của người Việt Nam trong cái Tết như thế nào. Điều đó là cần thiết để khẳng định tâm thế của văn hóa Việt Nam, là cầu nối xưa và nay, nhắc nhở lớp trẻ tự tôn về văn hóa, dân tộc mỗi khi Tết đến Xuân về.
Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm nhận định: “Sẽ có nhiều phát hiện mới, hoặc có những tư liệu cũ dần được phát hiện và công bố để soi sáng hơn những khía cạnh về lễ Tết. Mỗi tác giả có đóng góp riêng cho bức tranh chung về Tết Việt Nam từ vùng miền, quan điểm, cách nhìn, ký ức… Điều này giúp thế hệ bạn đọc trẻ hiện nay hiểu sâu hơn, toàn diện về một phong tục tập quán đến giờ vẫn giữ gìn nhưng khác thời xưa”.