Một thung lũng xanh mượt mà trải rộng ra về hướng thành phố. Sương mù trên dòng sông vào sáng sớm. Một tia nắng xuyên qua vòm lá. Một giếng nước dưới tàn cây, dường như có những tiếng thì thào kỳ bí vang lên từ nơi sâu thẳm của nó. Sự yên tịnh bên trong khuôn viên của một tu viện cũ. Đám đông chen lấn trong những ngõ hẻm quanh Nhà thờ Thánh linh. Và ở bên trên của tất cả những cái đó là tàn tích rực màu đỏ thẫm của lâu đài – thật ra thì các nhà thơ và họa sĩ vào đầu thế kỷ 19 chỉ cần lắng nghe và chiêm ngưỡng: tại Heidelberg, toàn bộ chương trình lãng mạn nằm trải rộng ra trước mặt họ.
Heidelberg với chiếc Cầu Cũ, nhà thờ Thánh Linh và lâu đài đổ nát cạnh dòng sông Neckar. Ảnh: Phan Ba
Trước nền của những chiếc tháp đã bị đập đổ, họa sĩ nổi tiếng Carl Philipp Fohr đã vẽ cảnh chăn cừu từ thời xưa cũ, thời mà người ta cho rằng đấy là thời đã được ban phúc lành. Họa sĩ người Anh William Turner nhìn ngắm pháo đài trong ánh sáng mờ ảo của thung lũng cạnh dòng sông. Nhạc sĩ, nhà văn Joseph von Eichendorff ca ngợi linh hồn của lâu đài và sự vắng vẻ của cánh rừng. Nét quyến rũ của phong cảnh tạo nhịp điệu, thiên nhiên phong phú quyết định màu sắc, và những câu chuyện được thì thầm kể mang lại nét sâu lắng và ý nghĩa cho từ ngữ của các nhà thơ. Nhiều, nhiều người đã đi theo sự quyến rũ đấy.
Có lẽ đó là Friedrich Creuzer dọn về từ Marburg, vị giáo sư về Triết học Cổ điển ở trường đại học vừa hồi sinh, người đã tìm thấy lời thần chú và đánh thức dậy bài ca đã ngủ sâu trong những điều đó. “Bây giờ, trong những lần cô độc đi dạo trong tàn tích đồ sộ của lâu đài ở đây, tôi cảm nhận được sự bé nhỏ của nước Đức mới”, ông đã viết như thế cho người bạn Clemens Brentano vào tháng 4 năm 1804, “tôi cảm nhận thành phố này là một nơi cho những người lĩnh hội được Bài ca Lãng mạn trong nét sâu lắng của nó, và có khả năng làm cho nó hồi sinh một cách xứng đáng.”
Bretano đến Heidelberg chỉ vài tháng sau đó. Ông mang người vợ mới cưới đi cùng, nữ thi sĩ Sophie Mereau, người mà một Friedrich Schiller đã ngạc nhiên công nhận vài năm trước đó, rằng “phụ nữ chúng ta bây giờ đã biết cách tạo cho mình một cách viết khéo léo tiến gần đến nghệ thuật”. Người bạn và rồi là anh vợ của Bretano, Achim von Arnim, thường xuyên hay đến thăm, giảng sư đại học Joseph von Görres, người nghiên cứu về dân ca và huyền thoại của nước Đức xưa cổ, kết nhóm sau đó. Nữ thi sĩ Karoline von Günderrode được nhiều người thán phục cũng thuộc vào trong giới văn sĩ đấy, cũng như em gái của Bretano, sau này là Bettine von Armin. Lời ca ngợi đầy tiên tri của Creuzer đã quyến rũ những người nổi tiếng đến khơi dậy sự lãng mạn ở Heidelberg. Có lẽ là như vậy.
Sông Neckar dưới chân lâu dài Heidelberg. Ảnh: Phan Ba
Có lẽ đó là nam tước người Pháp Chales de Graimberg, người đã cảm nhận được thiên tài lãng mạn của thành phố và đã khiến cho nó nở hoa. Ngay chính trong những đống đổ nát của pháo đài thời Trung cổ, người họa sĩ tài năng đã nghe được những bài ca từ nơi sâu thẳm của quá khứ, rõ đến mức ông đã định cư trong tàn tích đấy năm 1810 và trở thành người bảo vệ di tích đầu tiên của nó. Ông đã khéo léo quảng bá khám phá của mình, bảo vệ và ghi chép lại tàn tích của lâu đài, xuất bản tranh và sách, thiết lập một bảo tàng ở bên trong những bức tường và mở cửa lâu đài cho du lịch, việc chẳng bao lâu sau đấy đã phát triển mạnh. Nét đẹp quyến rũ hấp dẫn của thung lũng bắt đầu lan truyền đi. Thế rồi người Phổ đến, người Anh, cả người Mỹ nữa.
Một người Pháp giúp phát triển nét lãng mạn Heidelberg – đấy là điểm gút của một sự mỉa mai đẹp. Vì chính quân đội Pháp đã phá hủy pháo đài trong chiến tranh. Hai lần, lần đầu năm 1689 rồi một lần nữa năm 1693 – 70 năm sau đó, sét đánh và trận hỏa hoạn kéo dài nhiều ngày đã kết thúc công trình xây dựng được tái thiết.
Nếu như Graimberg không bị cuộc cách mạng trong đất nước của mình đưa đẩy đến Heidelberg, nếu như Johann Wolfgang Goethe, người cũng là một họa sĩ có tài, đã không vẽ phần dưới còn lại của tháp thuốc súng ngày xưa vào năm 1779 và người vẽ tranh Heidelberg Johann Georg Primavesi đã không xuất bản cả một một loạt tranh khắc về “tượng đài kỷ niệm tuyệt đẹp của thời trước” này – ai mà biết được? Chính phủ xứ Baden ở Karlsruhe đã muốn phá bỏ cái đống đồ sộ vô dụng ấy. Và đối với cả nhiều người dân Heidelberg, lâu đài của họ thời đấy không có giá trị nhiều hơn là một mỏ đá ở ngay trước cửa nhà.
Sau mấy năm vàng son đó, những con người tài hoa đã kéo đi nơi khác. Sườn núi của thung lũng sông Neckar không còn là hậu cảnh thích hợp cho những cuộc tranh luận của thời gian trước cuộc Cách mạng tháng Ba 1848/1849 nữa. Nhưng sự lãng mạn luôn được tái khám phá.
Thỉnh thoảng, những mô tả mới cho lịch sử cũ tiến sát gần đến ranh giới của sự màu mè vô giá trị, và không hiếm lần chúng cũng nhẹ nhàng bước sang bên kia. Nhưng có thể xảy ra ở giếng Sói trong khu rừng huyền bí nằm sau lâu đài là việc thời lãng mạn của Heidelberg có thể bất chợt lại trở thành hiện tại, trong một cơn gió thoảng qua.
Chiêm ngưỡng một Heidelberg lãng mạn:
Phố chính trong khu phố cổ, lúc nào cũng đầy người
Học viện Khoa học, trước kia là Dinh Đại công tước.
Phan Ba