Tâm sự của bà Trần Thị Chích về công việc lượm ve chai
Năm nay, bà Chích đã bước sang tuổi 75, cái tuổi mà đáng ra phải được nghỉ ngơi, hưởng trọn niềm vui quây quần bên con cháu, gia đình. Nhưng, với mong muốn được giúp đỡ học sinh nghèo và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hằng ngày, bất kể trời nắng hay mưa, bà Chích đều đạp xe quanh các con đường, ngõ hẻm trong xã để lượm ve chai, giấy vụn gom về bán lấy tiền bỏ vào heo đất để làm quỹ khuyến học, khuyến tài giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó.
Công việc lượm ve chai của bà Chích bắt đầu từ 6h sáng đến khoảng 10h trưa và từ 15h đến 17h. "Mấy năm về trước bà Chích đi làm từ lúc 4h sáng. Nhưng từ 2 năm trở lại đây do sức khỏe yếu nên bà đi lượm ve chai trễ hơn xíu để giữ gìn sức khỏe", chị Trần Thị Chín (ngụ Khu phố 2, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) cho biết.
Mỗi ngày bà Chích có thể kiếm được khoảng 20.000 đồng. Bình quân, mỗi tháng bà thu khoảng 400.000 đồng – 500.000 đồng. Tất cả số tiền này bà Chích đều bỏ vào heo đất. Đến ngày khai giảng năm học bà trích nguồn quỹ này để tặng từ 6 đến 8 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trong năm 2018, bà Chích đã hỗ trợ 8 suất học bổng trị giá 500.000 đồng/suất cho các em học sinh nghèo. Nhờ nguồn quỹ khuyến học này mà nhiều em học sinh nghèo ở địa phương đã phấn đấu vươn lên học giỏi.
Em Lê Mỹ Duyên (lớp 11, trường THPT Trường Trinh) chia sẻ: “Ba, mẹ em ly hôn từ nhiều năm nay, việc học của 2 chị em em đều dựa vào mẹ. Nhưng, từ 2 năm nay mẹ em bị bệnh động kinh nên không thể lao động được. Mọi chi tiêu trong gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm vì gia đình lâm vào cảnh nợ nần em đã tính nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ mẹ. Nhưng, được bà Chích thương tình đã hỗ trợ học bổng cho em, nhờ đó em mới có thể tiếp tục đến trường.”
Bà Chích tâm sự: “Ban đầu, tôi làm việc này các con và hàng xóm ai cũng khuyên ngăn và nói già rồi có tiền lương hưu về nhà mà an hưởng tuổi già, đi làm vậy chi cho khổ thân. Nhưng, bản thân tôi nghĩ rất đơn giản. Mình lượm ve chai, giấy vụn bán đâu phải để mình ăn, việc làm của mình là để giúp cho đời. Sau này thấy tôi giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, mọi người thay đổi suy nghĩ và thấy tội cho tôi”
“Bây giờ tôi ít đi ở đường hơn vì nhiều người đã chủ động gọi điện thoại để tôi tới nhà cho giấy vụn và nói giúp cho tôi làm từ nhiện”, bà Chích cười xòa nói.
Tuy những phần quà mà bà Chích dành tặng giá trị không lớn nhưng chứa đựng cả một tấm lòng, thể hiện sự quan tâm, thương yêu của những người hàng xóm với nhau. Chị Trần Thị Chín rưng rưng nước mắt nói: “Hôm 2/9 vừa rồi, cô ba Chích đã đến tận nhà tôi thăm và trao tặng 2 suất học bổng cho 2 đứa con gái tôi. Nếu như không có suất học bổng đó chắc 2 đứa con tôi cũng nghỉ học sớm vì gia đình quá nghèo”.
Ngoài ra, bà còn tích cực vận động đóng góp các loại quỹ do địa phương và các cấp phát động, đơn cử là nguồn quỹ Người cao tuổi khu phố ban đầu chỉ có 3.500.000 đồng, sau 5 năm vận động (từ năm 2011 - 2016) đến nay con số này đã tăng lên được trên 18.000.000 đồng.
Bà nói vui: "Ai cũng hiểu rõ những đồng tiền tôi kiếm được thông qua việc lượm ve chai, nhôm nhựa để làm từ thiện, để giúp đỡ người nghèo, giúp những mảnh đời bất hạnh có thêm niềm vui trong cuộc sống... Do đó, nhiều gia đình, kể cả những cơ quan trên địa bàn đã rất ủng hộ bằng việc gom sẵn những đồ dùng không còn sử dụng để mỗi sáng trao lại cho tôi với thái độ trân trọng".
Năm 2016, bà Chích đã vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen về thành tích 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Gia Hưng, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Ninh Sơn cho biết: “ Mặc dù tuổi đã lớn nhưng bà Chích vẫn đóng góp cho quỹ người nghèo tại địa phương, giúp đỡ những gia đình khó khăn bằng sức lao động của bà, tuy không nhiều nhưng cũng đã động viên các gia đình, các em học sinh vươn lên trong học tập”.