Vina2 và mối liên hệ với Trainco Group, Đầu tư MST
Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 (HNX: VC2) tiền thân là Công ty xây dựng Xuân Hoà, được thành lập năm 1970, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng nhà ở và chính thức hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ tháng 10/2003.
Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và đầu tư kinh doanh bất động sản. Vina2 đã tham gia thực hiện các dự án xây dựng dân dụng như Kho bạc Nhà Nước, Grand Plaza Hotel Hanoi, Khoa A11 - Bệnh viện Quân Y 108, Viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương, ...
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn là chủ đầu tư một số dự án như: Dự án Khu nhà ở sinh thái VINA2 (Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), Tòa tháp B - VC2 Golden Heart, Tòa tháp C - Golden Central Tower (khu đô thị Kim Văn Kim Lũ, Hà Nội); Dự án khu phức hợp Đê Đông (khu tái định cư Đê Đông, Quy Nhơn);...
Chủ tịch HĐQT của Vina2 là ông Nguyễn Thanh Tuyên (sinh năm 1978). Ngoài Vina2, ông Tuyên còn giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Trainco Group, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển BĐS Đô Thành, Công ty TNHH hợp tác đầu tư An Bình Long Xuyên…; cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần Đầu tư MST.
Tính đến cuối quý III/2024, vốn điều lệ của Vina2 ghi nhận đạt 687 tỷ đồng với 2 cổ đông lớn nhất là ông Đỗ Trọng Quỳnh và Đầu tư MST.
Với mối liên hệ như trên, rất nhiều dự án mà Vina2 đã và đang đầu tư xây dựng đều có sự song hành cùng Đầu tư MST.
Một số dự án có thể kể đến như Khu dân cư đô thị, thương mại dịch vụ thuộc tổ dân phố 17, 18 phường Him Lam (tỉnh Điện Biên); I – Tower Quy Nhơn (Bình Định); Greenhill Village Quy Nhơn…
Chưa dừng lại ở đó, Đầu tư MST cũng đã nhiều lần sử dụng cổ phiếu VN2 của Vina2 để làm tài sản đảm bảo cho các lô trái phiếu của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Trainco Group.
Nợ gần 2 năm tiền bảo hiểm dù lãi lớn
Mới đây, trong danh sách các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện từ 1 tháng trở lên trên địa bàn Tp.Hà Nội tháng 11/2024 ghi nhận sự xuất hiện của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina2 (HNX: VC2), với số tháng chậm đóng bảo hiểm lên đến 22 tháng và số tiền chậm đóng chạm ngưỡng hơn 5,3 tỷ đồng.
Động thái chậm đóng bảo hiểm kéo dài của doanh nghiệp diễn ra trước bối cảnh kết quả kinh doanh của công ty lại đang diễn biến rất tích cực.
Cụ thể, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024 tổng doanh thu thuần của Vina2 đạt hơn 837 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu từ hoạt động bất động sản rất khiêm tốn, chỉ chưa tới 8 tỷ đồng, chủ yếu doanh thu của công ty đến từ hoạt động xây lắp và thương mại
Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng tăng mạnh lên hơn 39 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Song hàng loạt chi phí được giữ nguyên so với cùng kỳ, vì vậy sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, Vina2 báo lãi sau thuế 9 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 30,5 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, dù kết quả kinh doanh cho thấy số liệu khởi sắc nhưng báo cáo lưu chuyển tiền tệ lại chỉ ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh Vina2 đã âm liên tục kể từ năm 2021 tới nay.
Theo báo cáo tài chính của công ty cho thấy, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2021 của Vina2 âm 59 tỷ đồng, năm 2022 tiếp tục ghi nhận âm 83 tỷ đồng, sang năm 2023 âm 240 tỷ đồng và tại cuối quý III/2024 là hơn 4,6 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh ghi nhận âm thời gian dài, tính đến ngày 30/9/2024, lượng tiền và tương đương tiền mà Vina2 đang nắm giữ chỉ còn trên 24 tỷ đồng, trong khi đầu kỳ công ty có tới gần 187 tỷ đồng cất "két".
Hoá thân thành "tài sản đảm bảo" tại các đợt huy động vốn của doanh nghiệp trong hệ sinh thái
Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Vina2 tại cuối quý III/2024 là 1.989 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm và cao gấp 2 lần vốn chủ sở hữu.
Cơ cấu dư nợ vay tài chính đạt hơn 1.008 tỷ đồng, gồm 812 tỷ đồng là vay ngắn hạn. Trong đó, doanh nghiệp vay 737 tỷ đồng từ ngân hàng, 226 tỷ đồng trái phiếu, còn lại là các khoản vay từ tổ chức. Tổng chi phí lãi vay của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm ghi nhận đạt là 46 tỷ đồng.
226 tỷ trái phiếu của công ty tới từ 2 lô trái phiếu mà doanh nghiệp đang lưu hành là VC2H2122001 và VC2H2124002.
Trái phiếu VC2H2122001 có tổng giá trị 150 tỷ đồng được phát hành ngày 27/10/2021 với kỳ hạn 3 năm, (đáo hạn vào 27/10/2024), lãi suất 11,5%/năm và lô trái phiếu VC2H2124002 được phát hành ngày 22/12/2021 với kỳ hạn 3 năm (đáo hạn vào 22/12/2024), lãi suất 11,5%/năm với tổng giá trị phát hành là 110 tỷ đồng.
Ban đầu, lô trái phiếu VC2H2122001 của Vina 2 có kỳ hạn 12 tháng, tuy nhiên, sau đó, trái chủ đã đồng ý điều chỉnh thời hạn thành 36 tháng, thời gian đáo hạn được kéo dài tới ngày 27/10/2024.
Toàn bộ số tiền huy động được từ 2 lô trái phiếu trên đều được doanh nghiệp dùng để đầu tư vào các dự án bất động sản đình đám của công ty ở Quy Nhơn.
Trên thị trường, trái phiếu của Vina2 cũng có liên quan mật thiết đến các lô trái phiếu của CTCP Đầu tư Đức Trung (UpCOM: DTI), Đầu tư MST cũng như Trainco Group.
Điển hình vào thời điểm đầu tháng 11/2022, Đầu tư Đức Trung đã huy động thành công 100 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng. Đầu tư MST đã dùng hơn 9 triệu cổ phần phổ thông của Vina2 để làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trên của Đầu tư Đức Trung.
Ở chiều ngược lại, Vina2 lại đang dùng chính 5,8 triệu cổ phiếu của Đầu tư Đức Trung với định giá hơn 58 tỷ đồng (tương đương 10.000 đồng/cổ phiếu) để làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu VC2H2122001 kể trên.
Bên cạnh đó, Đầu tư MST cũng đã dùng 7,65 triệu cổ phiếu VC2 làm tài sản đảm bảo cho CTCP Đầu tư và Phát triển Trainco (Trainco Invest thuộc Trainco Group), để phát hành lô trái phiếu trị giá 120 tỷ đồng.
Trong năm 2023 và 2024, Vina2 đã có nhiều lần chậm thanh toán lãi trái phiếu với lý do chưa thu xếp được nguồn tài chính và phải xin gia hạn thêm thời gian đáo hạn cho các lô trái phiếu này.
Tại diễn biến mới nhất, ngày 6/11 vừa qua, Vina2 đã đáo hạn lô trái phiếu VC2H2122001 và chỉ còn lưu hành trên thị trường lô trái phiếu VC2H2124002.
Không chỉ vay nợ qua kênh trái phiếu, Vina2 còn nhiều lần dùng khoản phải thu phát sinh từ các hợp đồng xây lắp, thi công liên quan đến các dự án, gói thầu mà doanh nghiệp thực hiện để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay vốn tại ngân hàng.
Trong đó có thể kể đến như khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng xây lắp (ký ngày 12/1/2024 với CTCP Đầu tư MST) về việc thi công xây lắp công trình Hạng mục "Hoàn thiện xây lắp- Hoàn thiện khô", Dự án " Trung tâm thương mại- Dịch vụ và Căn hộ I Tower Quy Nhơn"; hợp đồng công trình (ký ngày 4/11/2023 với công ty TNHH J Packaging VINA) về việc thực hiện gói thầu "Thiết kế thi công xây dựng nhà máy sản xuất bao bì cao cấp" tại Hà Nam… được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại BIDV.