Khán giả bị ép xem quảng cáo
Trước các suất chiếu, khán giả thường bị "tra tấn" bởi hàng loạt spot quảng cáo rồi mới được xem phim. Tuy nhiên, sự bức xúc này nhanh chóng trôi đi. Tuy nhiên, những bộ phim cài quảng cáo một cách thô thiển theo kiểu "đổi phim lấy tiền tài trợ" khiến rất nhiều người bức xúc.
Gần đây nhất là bộ phim "Lửa Phật", khi gần cuối phim, khán giả được "khuyến mãi" bằng cả một trường đoạn dài với cảnh nhân vật uống rượu, xoay cốc, khen rượu ngon và cận cảnh cả một thương hiệu rượu, một sản phẩm vốn bị cấm quảng cáo. Việc nhân vật uống rượu trên phim là chuyện bình thường nhưng để khán giả bị tra tấn với những cảnh quảng cáo rượu của nhà tài trợ qua những hình ảnh phản cảm khiến nhiều người bức xúc.
Lồng quảng cáo trong phim Việt không còn là chuyện mới mẻ. Năm 2011, không ít người đã nổi khùng khi bộ phim "Sài Gòn Yo!" không dưới 1 lần tra tấn khán giả bằng những spot quảng cáo trá hình phản cảm khi cho nhân vật nữ chính do diễn viên Vân Trang thủ vai quảng cáo cho loại "tivi 3D bán chạy nhất thế giới" vừa ra thị trường như đi bán báo dạo. Chưa hết bộ phim này còn quay cận cảnh lon cafe uống liền của một thương hiệu có tiếng tham gia tài trợ cho "Sài Gòn Yo!" không vì lý do gì khiến người xem phản ứng.
Trước đó, năm 2009, người xem cười ồ trước màn xuất hiện của một loại kem dưỡng da vốn là một trong những nhà tài trợ cho phim "Chuyện tình xa xứ" đường hoàng xuất hiện trong đoạn cuối phim với nhân vật chính không khác gì spot quảng cáo. Trong phim "Lọ lem hè phố", thậm chí hai diễn viên chính là Quang Dũng và Mỹ Duyên còn thể hiện hẳn đoạn mô phỏng quảng cáo của một dòng điện thoại di động đình đám khi đó khiến khán giả chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.
Đó là phim chiếu rạp, còn với phim truyền hình, loại hình dễ bị các nhà đầu tư và nhà tài trợ "can thiệp" hơn thì những đoạn quảng cáo trá hình nhiều vô kể. Ngoài việc phải chịu đựng việc mỗi tập phim khi phát sóng bị cắt vụn vì thời lượng dài dằng dặc dành cho chương trình quảng cáo, người ta bất đắc dĩ phải xem những spot quảng cáo được đưa vào phim một cách vô tội vạ.
Chuyện cài cắm quảng cáo trong phim truyền hình không còn là chuyện hiếm. Bộ phim truyền hình khá hấp dẫn do TFS sản xuất năm 2005, Hương phù sa, với sự tham gia diễn xuất của diễn viên Tăng Thanh Hà, Kim Hiền... đang được phát sóng lại trên một kênh truyền hình cũng khiến nhiều người gai mắt vì cảnh quảng cáo áo pull FOCI một cách phản cảm.
Bộ phim truyền hình đang lên sóng, Váy hồng tầng 24 khi mới công chiếu cũng đã nhận ngay những phản hồi đầy bức xúc của nhiều khán giả khi liên tục có những cảnh quay cận thương hiệu một hãng mỹ phẩm hay một loại trà và nhiều sản phẩm gia đình mà không đếm xuể. Có thể liệt kê ra vô số những bộ phim truyền hình cài cắm quảng cáo phản cảm như vậy. Nhà sản xuất đổi phim lấy tiền tài trợ, nhà tài trợ cần phim để quảng cáo sản phẩm, chỉ có khán giả là người phải chịu trận.
Phim ngoại cũng bị tuýt còi vì quảng cáo lắm
Chuyện nhà sản xuất bắt tay với các nhãn hiệu khi làm phim là điều không mới mới ngành sản xuất phim ảnh trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Việc đổi quảng cáo lấy tiền tài trợ cũng là điều đương nhiên, vì đó là thỏa thuận làm ăn. Tuy nhiên đưa vào phim thế nào cho đủ liều lượng và không quá sống sượng là cả một nghệ thuật.
Những dự án phim thương mại lớn, đã có danh tiếng và thu hút sự tham gia của các diễn viên ngôi sao luôn rất hấp dẫn các thương hiệu. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD chỉ để sản phẩm của mình xuất hiện trong một cảnh quay. Tuy nhiên, những quảng cáo này đều được lồng ghép rất hợp lý, ai cũng hiểu đó là đoạn quảng cáo cho sản phẩm nhưng không tức.
Khán giả yêu điện ảnh hẳn còn nhớ đoạn điệp viên 007 Daniel Craig gặp bondgirl Eva Green trên tàu trong tập phim "Casino Royale" 2006. Khi đó nữ diễn viên đã hỏi James Bond đeo đồng hồ gì. Anh trả lời: "Omega". Đây quả là spot quảng cáo ấn tượng. Cũng trong tập phim này, các thương hiệu xe hơi, laptop và điện thoại di động đình đám khác cũng đã xuất hiện cùng James Bond nhưng khán giả không cảm thấy khó chịu mà lại thấy đó là điều đương nhiên vì 007 luôn gắn liền với những món đồ thời thượng và đẳng cấp.
Trong bộ phim "Sex and the city 2", nhãn hiệu máy tính HP cũng được dàn xếp xuất hiện trên bàn làm việc trong văn phòng tuyệt đẹp của nữ diễn viên Kim Cattrall nhưng người xem không thấy bị lố. Hay trong phim So Undercover, một thương hiệu máy ảnh danh tiếng cũng được quảng cáo tích cực như là phương tiện tác nghiệp của nữ thám tử Molly do Miley Cyrus thủ vai. Trong những bộ phim trên, dù rõ ràng là "bị ép xem quảng cáo" nhưng người xem không cảm thấy chối tỉ như khi xem quảng cáo trong phim Việt.
Hồi đầu năm, bộ phim truyền hình ăn khách của Hàn Quốc, Gió mùa đông năm ấy với sự tham gia diễn xuất của nữ diễn viên Song Hye Kyo đã bị Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc cảnh cáo vì việc quảng cáo tràn lan trong phim. Cơ quan này yêu cầu nhà sản xuất cắt giảm giảm tối đa những đoạn quảng cáo lộ liễu. Chuyện lồng quảng cáo trong phim Hàn không lạ nhưng việc cài cắm quá nhiều sản phẩm điện thoại thông minh, mỹ phẩm, ô tô, trang sức, thời trang, máy ảnh.... lộ liễu khiến nhiều người phản ứng. Vậy ở Việt Nam, cơ quan nào sẽ đứng ra tuýt còi các nhà sản xuất khi diễn ra tình cảnh tương tự?
Theo Vietnamnet