Trước sự phát triển mạnh mẽ của các phim truyền hình ngoại nhập Hàn Quốc, Trung Quốc... Phim truyền hình Việt cần một cú bật đủ lớn mới có thể cạnh tranh một cách ngang bằng về chất lượng, cũng như độ yêu thích phim của khán giả.
Nhìn chung, phim Việt thời gian qua đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về nội dung, cách kể chuyện song vẫn chỉ nằm ở mức trung bình khá, ít được công nhận từ khán giả.
"Xào nấu" diễn viên cũ cho phim mới
Ngoài yếu tố kịch bản chưa đủ hấp dẫn hơn so với các phim ngoại nhập, yếu tố diễn viên cũng trở thành câu chuyện được bàn tán nhiều mỗi khi nhắc đến phim truyền hình Việt Nam. Khán giả rất hiếm khi thấy những gương mặt trẻ xuất hiện trên các sản phẩm khung giờ vàng. Họ thường xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn hoặc chỉ thủ các vai diễn phụ.
Trong khi đó, những cái tên quen thuộc cứ xuất hiện lặp đi lặp lại một cách không đếm xuể.
Khán giả cho rằng họ quá ngán ngẩm với việc chuyển kênh là lại gặp diễn viên này trong một bộ phim khác, thậm chí một diễn viên đóng nhiều phim có cùng lịch phát sóng. Điều này gây nên cảm giác ức chế khi người xem phải thích ứng nhiều nhân vật khác nhau với cùng một lối diễn xuất.
Không những không làm bật lên được cảm xúc của người xem khi phải chứng kiến một diễn viên đa vai diễn, mà còn làm mất đi hứng thú đồng hành cùng dự án đó.
Nhà đài không đa dạng tuyến diễn viên, khán giả không có nhiều sự lựa chọn,... vòng tròn cứ thế tiếp diễn dẫn đến các sản phẩm dù có nội dung hấp dẫn cũng không thuyết phục được người xem, càng không thể cạnh tranh với các phim nước ngoài sở hữu lực lượng diễn viên đa màu sắc.
"Phim giờ vàng cần những đổi mới về tư duy, về cách lựa chọn dàn diễn viên đa dạng hơn, khác biệt hơn thay vì cứ chăm chăm vào những tên tuổi đã quá quen mặt", "Gần đây, phim truyền hình Việt có những thay đổi tích cực về mặt kịch bản nhưng vẫn không thể thẩm thấu nổi khi xào nấu lại các gương mặt không có gì nổi trội của nhà đài",... là những nhận xét của khán giả.
Không thể phủ nhận những diễn viên quen mặt với công chúng sở hữu nhiều kinh nghiệm diễn xuất, tuy nhiên việc có quá ít lựa chọn về dàn diễn viên hợp vai, có sự đột phá trở thành rào cản lớn cho nền công nghiệp phim truyện nước nhà.
Chỗ đứng cho diễn viên mới
Trường hợp của phim Chúng ta của 8 năm sau là một ví dụ điển hình cho việc người xem "ngán ngẩm" dàn diễn viên cũ và khao khát được trải nghiệm diễn xuất của những gương mặt mới.
Thủ vai thời thanh xuân là những cái tên mới mẻ với công chúng xem truyền hình như Hoàng Hà, Quốc Anh, Trần Nghĩa,... Họ đều là những diễn viên điện ảnh, có xu hướng nắm bắt tâm lý nhân vật tốt song chưa có nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực phim truyền hình dài tập.
Góp mặt trong Chúng ta của 8 năm sau, bộ tứ Hoàng Hà, Quốc Anh, Trần Nghĩa, Ngọc Huyền nhận được tình cảm yêu mến từ công chúng, họ mang lại cảm giác thời thanh xuân đúng nghĩa. Cùng với đó, diễn xuất là yếu tố được đánh giá cao khi lứa diễn viên trẻ có cách thể hiện tự nhiên, đài từ tốt cùng sự phối hợp ăn ý.
Tuy nhiên, họ chỉ thủ vai thời thanh xuân trong nửa đầu của phim và sau đó là những cái tên Huyền Lizzie, Mạnh Trường... sẽ nối tiếp vai diễn của họ ở phần còn lại.
Việc thay thế dàn diễn viên đã nhận về phản ứng mạnh từ người xem. Họ có cùng quan điểm rằng, nên trao cơ hội cho dàn diễn viên trẻ thể hiện hết năng lực diễn xuất. Bởi, rất lâu rồi phim Việt mới có một dự án hay và xuất sắc từ diễn viên, thoại phim cho đến kịch bản, góc máy.
Các diễn viên trẻ hiện tại đang thể hiện rất tốt tinh thần của bộ phim, khán giả từ đó mong muốn nhà sản xuất sẽ lựa chọn phương án hoá trang cho các nhân vật 8 năm sau thay vì đổi thành diễn viên mới.
Tuy nhiên, vai diễn của bộ tứ Hoàng Hà, Quốc Anh, Trần Nghĩa, Ngọc Huyền đã chính thức kết thúc vào ngày 6 vừa qua, gây không ít tiếc nuối cho người xem.