Đảm bảo nguồn cung xăng dầu, điện
Tại Nghị quyết 144 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023 vừa được Chính phủ ban hành, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động triển khai các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ để bảo đảm an ninh năng lượng, triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII.
Đồng thời, thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân các tháng cuối năm 2023, năm 2024 và những năm tiếp theo.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện các nội dung, báo cáo về việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) về Bộ theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Thông báo số 355 ngày 26/8/2023, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện báo cáo thẩm định.
Bên cạnh đó, chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để phát triển, mở rộng các thị trường mới, nhiều tiềm năng, tranh thủ tối đa sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống để xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, nhất là hàng nông sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, khơi thông thị trường cho hàng hóa nông nghiệp, tận dụng cơ hội thuận lợi trên các thị trường quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Nghiên cứu chính sách đủ mạnh thu hút FDI quy mô lớn
Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới, tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời cập nhật phương án, kịch bản tăng trưởng và đề xuất các giải pháp để phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, trình độ khoa học công nghệ, các dự án FDI có quy mô lớn, tác động mạnh đến xuất khẩu, việc làm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung xử lý, giải quyết vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.
Khẩn trương tổ chức thẩm định dứt điểm trước ngày 20/9/2023 về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc triển khai theo phương thức PPP Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng cường huy động nguồn lực đầu tư cho các đối tượng, địa bàn còn gặp nhiều khó khăn.
Trong đó ưu tiên cho các nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, đối tượng nghèo là phụ nữ và trẻ em, các địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc các xã biên giới, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo, xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nghiên cứu, báo cáo đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách nhà nước đầu tư một số phòng thí nghiệm hiện đại về công nghệ bán dẫn và nghiên cứu khả năng giao cho các trường đại học, viện nghiên cứu… vận hành.