"Tử thần" treo trên đầu, mưa to lại lo sạt lở
Chỉ tay vào những tảng đá đủ kích cỡ phía sau nhà, ông Lê Đình Tính (59 tuổi), trú xóm 5, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho hay, đây là số đá lăn từ trên Rú Rậm xuống, được gia đình thu gom lại sau mỗi mùa mưa bão.
"Những năm qua đất đá trên núi liên tục sạt lở xuống phía dưới, đặc biệt là sau những trận mưa lớn kéo dài. Những đêm mưa lớn nằm trong nhà có dám ngủ đâu, sợ đá lăn vào nhà không kịp chạy", ông Tính nói.
Tại xã Hưng Yên Nam có 2 ngọn núi nằm dựa lưng vào nhau được người dân gọi là Rú Lài và Rú Rậm, với có diện tích khoảng 5ha nằm trên địa phận của ba xóm 3, 4, 5.
Dưới chân 2 ngọn núi là hơn 500 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu; trong đó có khoảng 70 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sống sát dưới chân núi. Hàng năm, mỗi khi mùa mưa đến, một lượng lớn đất đá trên 2 ngọn núi này lại sạt lở tràn xuống khu vực nhà dân.
Ông Phan Anh Nam, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam cho biết, hiện tượng sạt lở núi liên tục xảy ra trong những năm qua. Theo khảo sát của xã, có khoảng 30 hộ nằm ở khu vực có nguy cơ cao, thường xuyên bị ảnh hưởng từ các đợt sạt lở đất đá từ trên núi.
"Cách đây ít năm, cơ quan chức năng đã cho xây dãy bờ kè đá cao hơn 2m chạy quanh dưới chân núi để ngăn ngừa, hạn chế sạt lở. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều điểm đã có dấu hiệu bị đứt, đất đá sạt lở tràn xuống khiến kè đá bị đẩy xiêu vẹo", ông Nam nói.
Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam cho biết thêm, mỗi lần mưa lớn kéo dài, chính quyền phải thường xuyên cắt cử cán bộ, dân quân tự vệ túc trực, theo dõi sát diễn biến sạt lở; chủ động lên phương án vận động người dân sống dưới chân hai ngọn núi không ở lại trong nhà, di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn.
Phương án chống sạt lở tại khu vực núi Rú Lài và Rú Rậm đã được phê duyệt. Trước đó, năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, UBND huyện Hưng Nguyên đã thống nhất phương án, lên kế hoạch cắt đỉnh đồi để hạ tải tránh sạt lở; sau đó, đào bạt mái, cứ 5m giật một cơ rộng 3m, có xẻ rãnh để đảm bảo thoát nước; cuối cùng là trồng cây tạo gắn kết đất và cảnh quan.
Kinh phí triển khai dự án khoảng trên 25 tỷ đồng, lấy từ nguồn tận thu đất, đá trong quá trình thi công và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên môi trường theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Dự án sẽ do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Hưng Nguyên quản lý. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến, do người dân chưa đồng tình với phương án chống sạt lở nên chưa thể triển khai.
Tại núi Thọ Bùi, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An xuất hiện điểm sạt lở dài 80m, với độ sâu gần 3m. Đặc biệt, vào năm 2020, sau cơn bão số 9, điểm sạt lở trên càng trở nên phức tạp hơn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân dưới chân núi.
Ông Lê Hữu Thanh, trú xóm 2, xã Quang Sơn, cho biết chỉ cần xuất hiện mưa lớn liên tục trong nhiều giờ thì người già, phụ nữ và trẻ em phải đi ở nhờ nhà người thân quen gần đó do sợ bị đổ sập.
"Trên núi có nhiều tảng đá rất lớn, ngày bình thường cũng đã lo sợ lắm rồi, mưa lớn nữa thì chúng tôi phải di dời ngay. Đất đá trên đầu không biết khi nào đổ xuống nên sợ lắm", ông Thanh nói.
Về việc này, ông Lê Văn Chơng, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn cho biết, có 13 hộ dân với gần 60 nhân khẩu sống ven chân núi là bị ảnh hưởng trực tiếp mỗi mùa mưa bão.
Vì vậy, mỗi khi có cơn bão thì chính quyền luôn tập trung vận động, tuyên truyền người dân sẵn sàng sơ tán. Thậm chí có thời điểm xã cử lực lượng đến tận từng gia đình để giúp bà con sơ tán đến nơi an toàn; đội dân quân tự vệ trực 24/24h để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Theo Chủ tịch xã Quang Sơn, đó chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời và bị động. Về lâu dài, để thực sự ổn định, chính quyền đề xuất xây dựng khu tái định cư cho bà con. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về tài chính, nhà cửa, đất ở khu tái định cư không rộng bằng,… nên hiện vẫn chưa thực hiện được.
Thường trực đối mặt với rủi ro thiên tai
Thời gian gần đây, do mưa to và rất to nên xảy ra sự cố sụt lún nghiêm trọng trên Quốc lộ 16, đoạn qua Dốc Chuối, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Sự cố sụt lún không chỉ cắt đứt mạng lưới giao thông huyết mạch, mà còn đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân sinh sống phía dưới.
Sự việc xuất hiện từ ngày 15/7/2024, Quốc lộ 16 bắt đầu xuất hiện sạt trượt, gần 50m mặt đường sụt xuống taluy âm với độ sâu khoảng 50cm. Để khắc phục sự cố và thông tuyến tạm thời, Sở Giao thông vận tải Nghệ An, UBND huyện đã cử lực lượng đắp gia cố và mở tạm đường sang phía taluy dương.
Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, trên địa bàn tiếp tục có mưa nên mặt đường tiếp tục sụt lún sâu; hiện tại độ sâu đã gần 5m. Từ ngày 18/7, giao thông qua đoạn sạt lở này đã được phong tỏa và phân luồng phương tiện cơ giới sang hướng tuyến khác, xe máy được hỗ trợ đi qua từng phương tiện một nhằm đảm bảo an toàn. Còn riêng 4 hộ dân sống phía dưới taluy âm đã được vận động tạm thời đến nơi khác an toàn hơn.
Trong các năm 2021 và 2023, tình trạng sạt lở cũng đã xảy ra tại vị trí này, tuy nhiên, đây là lần sạt lở nghiêm trọng nhất. Hiện, Sở Giao thông vận tải Nghệ An cũng đã đề xuất lên Cục Đường bộ Việt Nam phương án cải tuyến hoặc làm cầu cứng để đảm bảo ổn định lâu dài cho cung đoạn này.
Ở huyện Thanh Chương, theo thống kê, trên địa bàn hiện có 33 điểm có nguy cơ sạt lở, với 254 hộ, 869 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Đáng chú ý là các khu dân cư sống ngay dưới chân núi như tại khu vực đồi Rú Vệ, rú Đá (xã Thanh Hoà) với 6 hộ, 25 nhân khẩu; rú Chạng Nạng (xã Thanh Liên ) với 12 hộ 40 nhân khẩu; dọc núi rú Lâm (xã Thanh An) với 15 hộ, 62 nhân khẩu bị ảnh hưởng.
Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trao đổi: "Người dân sinh sống chủ yếu xung quanh chân núi, chân đồi. Những năm qua, từ nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh, một số điểm sạt lở nguy hiểm đã được xử lý, tuy nhiên chưa đáng kể so với thực trạng".
Đến nay, trên địa bàn còn tồn tại nhiều điểm sạt lở, dù đã khắc phục một phần nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ cao khi mùa bão đến. Đơn cử như núi Nguộc, thuộc địa bàn 2 xã Thanh Ngọc và Ngọc Sơn. Mặc dù không có người dân sinh sống nhưng lưu lượng giao thông qua đây rất lớn.
Nhiều lần nơi đây xuất hiện tình trạng đá sạt lở, ảnh hưởng tính mạng người đi đường. Tuy nhiên, để xử lý triệt để đối với những điểm sạt lở thì vẫn cần sự vào cuộc của các sở ban ngành tỉnh Nghệ An, bởi kinh phí của huyện cũng có hạn và trình độ, kỹ thuật cũng nằm ngoài khả năng.
Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, tính đến thời điểm này Nghệ An có 121 điểm, khu vực bị sạt lở núi; 127 điểm, khu vực bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông, suối; 198 điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở núi; bờ sông, suối gây ảnh hưởng đến hộ dân và các cơ sở hạ tầng (nhà ở, trường học, đường giao thông nông thôn, đất sản xuất,…).
Khẩn trương chống sạt lở trước mùa mưa bão – Bài 2: Đẩy nhanh công tác chống sạt lở