Báo Tuổi trẻ đưa tin, tối 17/4, Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi các bộ, ban, ngành và các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang về việc khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lũ.
Theo công điện, từ ngày 16/4 đến nay, mưa lớn đã xảy ra tại khu vực miền núi phía Bắc, gây lũ quét trên địa bàn huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, làm 3 người chết (trong đó có người đến từ Lai Châu), hư hại nhiều nhà dân trong khu vực.
Trước thiệt hại trên, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình bị nạn.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả và ứng phó với diễn biến thiên tai tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu bộ, ban, ngành và các tỉnh tổ chức thăm hỏi gia đình có người chết.
Huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu, không để người dân thiếu đói.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở kiểm tra, rà soát nơi ở an toàn của người dân, đặc biệt là khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Thủ tướng cũng yêu cầu sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để ứng phó khi có tình huống.
Liên quan đến tình hình, lũ ống làm 3 người chết và mất tích tại xã Minh Lương (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai). Theo TTXVN/Vietnam+, trước đó chiều tối 17/4, ông Phí Văn Hoan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai cho biết đến cuối giờ chiều cùng ngày, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại xã Minh Lương đã cơ bản hoàn thành những phần việc chính, đường giao thông đã thông, công tác dọn dẹp vệ sinh và ổn định cuộc sống cho người dân địa phương sau lũ ống đã được các cấp tích cực triển khai.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Văn Bàn, lũ ống đã khiến 3 người tử vong và mất tích, hiện đã tìm thấy thi thể 2 người bị lũ cuốn, các cơ quan chức năng đang khẩn trương tìm kiếm 1 người mất tích còn lại.
Về nhà ở, lũ bất ngờ mang theo lượng lớn đất đá làm hư hỏng, cuốn trôi tài sản của 25 hộ dân gồm đồ dùng gia đình, xe máy, vật liệu xây dựng... trong đó có 2 nhà dân bị cuốn trôi, hư hỏng trên 80%; 8 nhà hư hỏng trên 50%, 15 nhà hư hỏng 30%, 5ha lúa bị vùi lấp, thiệt hại 100%. Lũ ống cũng cuốn trôi 1 công trình cấp nước sinh hoạt, 3 công trình đầu mối thủy lợi.
Để giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, huyện Văn Bàn đã huy động đội xung kích cơ sở như Dân quân tự vệ, Công an viên, các tổ chức đoàn thể kịp thời giúp đỡ hộ gia đình dọn dẹp vệ sinh và sửa chữa, khắc phục tạm thời, ổn định cuộc sống.
Đối với nạn nhân Ma A Lơ (huyện Phong Thổ-Lai Châu) đã được Ủy ban Nhân dân huyện hỗ trợ 5 triệu đồng, lực lượng chức năng đã làm thủ tục bàn giao cho gia đình nạn nhân đưa về mai táng. Nạn nhân còn lại đang tiếp tục được xác minh danh tính, quê quán để bàn giao cho gia đình về làm hậu sự theo phong tục địa phương. Các lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn cũng đang tiếp tục tìm kiếm nạn nhân còn lại bị mất tích.
Ngoài ra, ngay sau khi nhận được thông tin lũ ống gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, chiều 17/4, đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do ông Nguyễn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) làm trưởng đoàn đã trực tiếp đến kiểm tra, nắm bắt tình hình và chỉ đạo địa phương kịp thời tìm hiểu rõ nguyên nhân để kịp thời cảnh báo cho nhân dân.
Đoàn công tác đã kiểm tra khu vực đoạn đường thuộc Quốc lộ 279, nơi 25 hộ dân sinh sống chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ ống. Qua kiểm tra hiện trường, đoàn công tác ghi nhận công tác chỉ đạo và khẩn trương huy động lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai của địa phương.
Đoàn công tác cũng yêu cầu huyện Văn Bàn cần tiếp tục rà soát các điểm khu vực có thể tắc nghẽn dòng chảy, chủ động khơi thông, cảnh báo người dân phòng tránh; củng cố, phát huy lực lượng xung kích ngay tại cơ sở trong phòng, chống thiên tai. Đặc biệt cần lưu ý, hiện nay tại huyện Văn Bàn thời tiết vẫn tiếp tục có mưa và mưa to nên phải chủ động cảnh báo và sẵn sàng các biện pháp phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi cao của địa phương.
Quốc Tiệp (t/h)