Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, mưa lớn đã xảy ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, một số nơi ngập lụt cục bộ, sạt lở gây chia cắt giao thông.
Tối 17/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, từ 19h ngày 15/10 đến 19h ngày 17/10, khu vực Quảng Trị có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến đạt từ 200-300mm, có nơi cao đạt 455mm, hiện mực nước trên các sông đang lên.
Mưa lớn gây ngập tại các ngầm tràn, chia cắt một số tuyến đường giao thông ở khu vực miền núi và một số vùng thấp trũng ven sông tại đồng bằng. Đặc biệt, tại địa bàn huyện Đakrông nhiều xã bị cô lập; tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây tại Km 265 thuộc địa phận xã Tà Long mực nước cao 0,5m chiều dài khoảng 20m gây chia cắt giao thông đi lại.
Tỉnh đã tổ chức sơ tán, di dời 267 hộ dân với 1.416 nhân khẩu tại một số khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn. Trong đó, riêng tại huyện Đakrông di dời 219hộ/1.322 khẩu; huyện Hải Lăng: 48 hộ/94 nhân khẩu.
Trong khi đó Thừa Thiên-Huế chứng kiến lượng mưa phổ biến 300-500mm, có nơi trên 700mm, khiến cho một số khu vực tại Huế, huyện Phú Lộc, huyện Phú Vang... đã xuất hiện ngập lụt. Tỉnh này đang nỗ lực tìm kiếm hai nạn nhân là vợ chồng ở thị xã Hương Trà bị nước cuốn mất tích khi chèo ghe đánh cá trên sông Bồ. Tại Huế, một cây xanh bất ngờ đổ xuống đè trúng một nam thanh niên đang chạy xe máy khiến người này bị thương nặng, phải nhập viện cấp cứu.
Mưa lũ cũng làm 6 vị trí đường giao thông địa phương tại Hòa Bình, Hà Tĩnh bị sạt lở; làm hàng chục điểm đường quốc lộ, đường giao thông địa phương tại Nghệ An, Quảng Bình, Đắk Lắk ngập sâu. Chính quyền địa phương phối hợp với ngành giao thông đã lập rào chắn, điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục sự cố.
Từ 1h đến 7h ngày 18/10, khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Hồ Kim Sơn 130,2 mm, Cẩm Nhượng 66,8 mm, Kỳ Thịnh 65,6 mm (Hà Tĩnh); Lệ Thủy 122,4 mm, Tân Mỹ 111,6 mm, Đồng Hới 84,8 mm (Quảng Bình); Cồn Cỏ 126 mm (Quảng Trị), An Nhơn 42,6 mm (Bình Định), Khánh Hiệp 75,3 mm (Khánh Hòa)...
Dự báo trong vài giờ tới, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa ở tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế từ 30-50 mm, có nơi trên 80 mm; từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên từ 10-20 mm, có nơi trên 40 mm
Dự báo do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên ngày hôm nay 18/10, ở khu vực từ phía Nam Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-130 mm, có nơi trên 150 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại các tỉnh Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ.”
Các địa phương chủ động rà soát, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu chia cắt, vùng thấp trũng ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã từng xảy ra sạt lở đất, ngập lụt năm 2020; đồng thời bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ phải sơ tán, không để người dân bị thiếu đói, rét; tổ chức thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.
Bên cạnh đó, triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo vận hành an toàn hồ đập thủy lợi, công trình thủy lợi và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Bộ Công Thương chỉ đạo vận hành an toàn hệ thống điện, hồ đập thuỷ điện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 và các lực lượng đóng trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện công tác sơ tán dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng hỗ trợ nhân dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương; chủ động hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông hoạt động tại các khu vực bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm an toàn
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, TTXVN)