Theo đó, đối với vận tải hành khách bằng đường bộ và đường sắt liên tỉnh, hành khách đi từ địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19). Ngoài ra, hành khách phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Người đi từ địa phương có nguy cơ và "bình thường mới" đến địa phương có nguy cơ cao hơn phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi lên xe ô tô và tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Đối với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Đối với lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu, áp dụng theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ nội tỉnh, đường thủy nội địa, hành khách phải có thẻ xanh hoặc thẻ vàng Covid. Trường hợp có thẻ vàng Covid yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ khi ra, vào địa giới cấp huyện.
Nếu chưa cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid, người không có điện thoại thông minh có thể xuất trình giấy tờ tùy thân kèm theo một trong các giấy tờ sau: giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi cuối, giấy chứng nhận tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 sau 14 ngày (nếu chỉ đi trong địa giới cấp huyện), giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, giấy ra viện đối với bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng.
Người điều khiển, nhân viên phục vụ yêu cầu các loại giấy tờ tương tự như của hành khách.
Tất cả các hoạt động vận tải hành khách nói trên phải tuân thủ thông điệp 5K, thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch.
Ngoài ra, Tỉnh này cũng yêu cầu các bến xe, nhà ga, trạm dừng nghỉ, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải… phải xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch đón trả khách, vận tải hành khách bảo đảm an toàn quy định phòng chống dịch.
Theo kế hoạch, hoạt động vận tải hành khách ở tỉnh Khánh Hòa sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10) vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội tỉnh được phép hoạt động với 50% số lượng phương tiện, đảm bảo giãn cách với số người trên phương tiện không quá 50% số chỗ ngồi theo thiết kế.
Hoạt động vận tải hành khác bằng tuyến cố định liên tỉnh từng bước hoạt động trở lại khi Sở Giao thông vận tải có văn bản phối hợp với các tỉnh, thành phố có tuyến cố định để thống nhất chung, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch; các phương tiện chỉ được chở tối đa 50% số chỗ theo thiết kế (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).
Kết nối vận tải hành khách bằng đường bộ với đường hàng không và đường sắt đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng chống dịch, không bị ùn ứ khách tại sân bay, nhà ga.
Hoạt động đưa đón cán bộ, chuyên gia, công nhân viên, người lao động của các đơn vị sản xuất kinh doanh được phép chở 100% số chỗ ngồi theo thiết kế; cán bộ, công nhân viên, người lao động đáp ứng yêu cầu về điều kiện y tế được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa quy định.
Giai đoạn 2 (từ ngày 21/10 đến hết ngày 15/11), sau khi tổng kết, đánh giá giai đoạn 1 thì căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố sẽ điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phòng chống dịch bệnh.
Châu Tường