Chiều 25/8, tại Tp.Nha Trang, Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với 4 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Nghệ An và Sóc Trăng về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Năm 2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công gần 3.520 tỷ đồng. Đến ngày 31/7, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh này đạt 31,4% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 32,5% so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế.
Tuy nhiên, trong đó có một số dự án có tỉ lệ giải ngân 0% như dự án đường quốc lộ 1A đi Bến Miễu; xây dựng Cầu Huyện 2 và đường dẫn; kè, đập ngăn mặn sông Đá Hàn; dự án cầu qua sông Kim Bồng; Trung tâm Chỉ huy Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tỉnh Khánh Hòa…
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tình hình giải ngân trên địa bàn tỉnh này nằm ở mức trung bình so với cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm, nhất là đối với các công trình có bố trí vốn lớn.
Thứ nhất, đối với 2 bệnh viện là Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Đa khoa Nha Trang thì gói thầu xây lắp đã đạt được 95%, tuy nhiên gói thầu thiết bị đang gặp khó khăn.
Thứ hai, trong thời gian vừa qua, tỉnh Khánh Hòa đón nhận các nghị quyết của Trung ương, trong đó huyện Cam Lâm được xác định là đô thị sân bay. Vì vậy, có một số công trình được Trung ương bố trí vốn, tỉnh đã xin Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin thôi; còn dự án sử dụng vốn của tỉnh đã báo cáo Hội đồng nhân dân xin chấm dứt. Tuy nhiên, tỉnh vẫn duy trì tiếp tục các dự án liên quan đến an sinh xã hội như trường học, y tế, các công trình công cộng.
Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng đền bù giải tỏa hiện cũng đang gặp khó khăn.
Ông Tuân cho biết thời gian tới sẽ tập trung giải ngân các dự án có vốn đầu tư cao. Từ nay đến cuối năm, tỉnh đặt ra các mốc giải ngân như đến ngày 31/8 sẽ đạt tiến độ giải ngân 41%, đến ngày 30/9 thì đạt 60%. Đến hết năm nay, tỉnh Khánh Hòa cam kết sẽ giải ngân hết 100% vốn đầu tư công.
Theo ông Tuân, hiện nay, đã có một số đơn vị tham gia vào gói thầu thiết bị của 2 dự án bệnh viện. Tỉnh Khánh Hòa quyết tâm đưa Bệnh viện Ung bướu vào hoạt động vào cuối năm 2022, còn Bệnh viện Đa khoa Nha Trang sẽ đưa vào hoạt động trong quý 1/2023.
Các tỉnh Phú Yên, Sóc Trăng và Nghệ An cũng đã báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công của địa phương cũng như những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để kiến nghị với đoàn công tác. Đại diện các bộ, ngành cũng đã trả lời một số thắc mắc, kiến nghị của các địa phương.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết cả 4 tỉnh đều nằm trong nhóm những địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm dưới 50%. Vì vậy, các tỉnh phải nhìn nhận những thiếu sót của mình và cần tập trung các giải pháp để thực hiện.
Về nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bộ trưởng đề nghị các địa phương cần phải chuẩn bị trước một bước khi thực hiện dự án. Khẩn trương xây dựng các khu tái định cư để người dân ổn định cuộc sống.
Còn về thủ tục đấu thầu, chuyển đổi đất trồng lúa và ảnh hưởng môi trường, vướng mắc chỗ nào thì kiến nghị chỗ đó để giải quyết, tháo gỡ. Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương quan tâm đến vấn đề thủ tục (dự án, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công…) việc này phải đi trước một bước trong thực hiện dự án.
Bộ trưởng cũng lưu ý ngoài giải ngân theo hợp đồng thì phải căn cứ vào khối lượng giải phóng mặt bằng để thực hiện việc giải ngân, tránh trường hợp lập khống để giải ngân, báo cáo cấp trên.
Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại 4 dự án sử dụng vốn đầu tư công tại Khánh Hòa. Đó là dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp.Nha Trang, dự án đường D30, dự án Bệnh viện Ung bướu và dự án Bệnh viện Đa khoa Nha Trang.
Qua kiểm tra, các dự án này còn bị vướng giải phóng mặt bằng và thủ tục mua sắm trang thiết bị. Do đó, tiến độ giải ngân vốn còn chậm. Đặc biệt dự án đường D30 có hơn một nửa chiều dài tuyến chưa có mặt bằng thi công. Tiến độ giải ngân vốn năm 2022 đến nay chỉ đạt 21% kế hoạch.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu ban quản lý dự án, chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng để dự án được thực hiện đúng tiến độ.
Clip: Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại Khánh Hòa.
Châu Tường