Người dân đồng tình chuyển đổi
Để góp phần giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, hạn chế việc sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất gạch, năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2020 (đề án 2109).
Theo đề án, đến năm 2020 phải chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đề án tại thị xã Ninh Hòa đến nay đã không đạt mục tiêu đề ra do còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Theo Quyết định số 2109/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa thì trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có tổng cộng 54 cơ sở với 106 vỏ lò sản xuất gạch thủ công cần phải chấm dứt hoạt động trước năm 2020.
Trong đó có 43 cơ sở (95 vỏ lò) sản xuất gạch nung bằng lò đứng, lộ trình chấm dứt sản xuất gạch là trước năm 2017; 10 cơ sở (10 vỏ lò) sản xuất gạch bằng lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lộ trình chấm dứt trước năm 2018; 1 cơ sở (1 vỏ lò) sản xuất gạch nung bằng lò vòng, lò vòng cải tiến (công nghệ Hoffman) không sử dụng nguyên liệu hóa thạch, lộ trình chấm dứt trước năm 2020.
Sau đó, năm 2017, UBND thị xã Ninh Hòa đã chi hỗ trợ tháo dỡ lò gạch thủ công (lò đứng) cho 21 cơ sở kinh doanh (54 vỏ lò) với số tiền 1,080 tỷ đồng. Đối với 22 cơ sở kinh doanh (lò đứng) còn lại thì có 20 cơ sở chuyển sang lò vòng cải tiến (công nghệ Hoffma) và 2 cơ sở không nhận tiền hỗ trợ.
Tiếp đến, năm 2018, UBND thị xã Ninh Hòa tiếp tục chi hỗ trợ tháo dỡ lò gạch (lò đứng) cho 8 cơ sở (11 vỏ lò) với số tiền 220 triệu đồng. Các năm 2019, 2020, 2021 thị xã tiếp tục triển khai các công tác liên quan.
Theo báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, tại thời điểm thống kê theo đề án 2109, trên địa bàn thị xã có 11 lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến nay, theo báo cáo của UBND các xã, phường thì trên địa bàn thị xã không còn cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch nữa.
Hiện nay, còn 36 cơ sở với 42 vỏ lò đang hoạt động, sản xuất gạch nung bằng lò vòng cải tiến (công nghệ Hoffman) và sử dụng nguyên liệu đốt là bột cưa, mùn trấu, phế phụ phẩm nông nghiệp.
Theo lộ trình, đến cuối năm 2020, các cơ sở lò gạch thủ công phải chấm dứt hoạt động (trong đó có 10 cơ sở nằm trong đề án 2109 và 26 cơ sở mới nằm ngoài đề án).
Sản lượng gạch nung trung bình 234 triệu viên gạch/năm. Hiện nay, qua khảo sát trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, đa số các công trình, nhà ở riêng lẻ tư nhân trên địa phương hầu hết sử dụng gạch nung, nguồn cung cấp chính từ các lò gạch tại địa phương.
Gạch không nung hầu như chỉ được sử dụng trong các công trình có vốn nhà nước. Bên cạnh đó, gạch không nung còn hạn chế, chất lượng thấp, việc sử dụng gạch không nung thực tế gây nhiều bất tiện như nặng hơn gạch nung ảnh hưởng tới việc thiết kế xây dựng công trình, nứt nhà sau khi thi công…
Trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, gạch được sản xuất ở các xã Ninh Xuân, Ninh Phụng và Ninh Bình. Trong đó, phần lớn tập trung ở xã Ninh Xuân, đây là nghề truyền thống lâu đời tại đây. Nghề sản xuất gạch nung bằng đất sét theo kiểu thủ công mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, khi có chủ trương về việc chuyển đổi, chấm dứt hoạt động các lò gạch nung thủ công gây ô nhiễm môi trường sang công nghệ sản xuất gạch hiện đại hơn (tuynel, vật liệu xây không nung) thì chủ lò gạch, người lao động đều đồng tình.
Ông Mạc Hữu Tâm, một chủ lò gạch tại thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân cho biết lúc trước lò gạch ở đây làm lò đứng, đốt khói rất nhiều, sau đó người dân chuyển sang lò vòng, lò vòng cải tiến (công nghệ Hoffman) chỉ sử dụng những nguyên liệu phế phẩm để đốt nên giảm tình trạng khói.
“Sau cơn bão năm 2017, lò gạch hư hại hết nên gia đình tôi phải vay vốn để xây lò mới. Bão xong tiếp tới 2 năm dịch bệnh Covid-19, lò gạch không hoạt động được gì, chỉ mới nhộn nhịp trở lại từ 1-2 tháng trở lại đây. Vì vậy, đến nay nợ vay ngân hàng tôi cũng chưa trả được nên phải tiếp tục sản xuất để có thu nhập trả nợ” – ông Tâm nói.
Nói về việc di dời theo chủ trương của nhà nước, ông Tâm cho biết người dân đều đồng ý. Tuy nhiên, để người dân di dời thì phải có nơi để đặt lò mới, có vùng nguyên liệu để khai thác, sản xuất… thì mới thực hiện được. Các chủ lò gạch cũng đã có kế hoạch liên kết xây dựng lò với công nghệ tiên tiến nếu như các yêu cầu để sản xuất được đáp ứng.
Theo báo cáo của thị xã Ninh Hòa, qua khảo sát, một phần các cơ sở kinh doanh (khoảng 30%) có nhu cầu chuyển đổi sang công nghệ sản xuất gạch hiện đại hơn (tuynel, vật liệu xây không nung). Đồng thời, mong các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể về công nghệ, hình thức chuyển đổi này.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Ông Nguyễn Minh Thư, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết qua khảo sát, tổng số lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất gạch khoảng 1.237 người, trung bình 34 người/cơ sở kinh doanh với độ tuổi trung bình 40-45 tuổi. Do tuổi đã cao, đã quen với công việc nên việc hỗ trợ đào tạo nghề sau khi chấm dứt sản xuất gạch nung cho đối tượng này là chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, kinh phí xây dựng lò vòng cải tiến (công nghệ Hoffman) của các cơ sở kinh doanh có chi phí đầu tư lớn nên việc chi hỗ trợ tháo dỡ lò vòng và lò vòng cải tiến chỉ 20 triệu đồng/vỏ lò theo đề án là quá thấp và chưa phù hợp tại thời điểm hiện nay.
Trong khi đó, quy hoạch vùng nguyên liệu trên địa bàn thị xã Ninh Hòa giai đoạn 2016 – 2020 đã được phê duyệt, tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn việc cấp phép khai thác cho các đơn vị đủ điều kiện. Mặt khác, cụm công nghiệp Ninh Xuân còn đang trong quá trình triển khai, vì vậy việc tập trung các cơ sở sản xuất gạch vào cụm công nghiệp vẫn chưa được thực hiện.
“Hiện nay, do chưa có đề án nào hướng dẫn chi tiết về việc chuyển sang công nghệ mới là phải thực hiện như thế nào nên các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò vòng cải tiến mong muốn được tiếp tục hoạt động để tạo công ăn việc làm cho người lao động tại cơ sở” – ông Thư cho biết thêm một khó khăn trong việc chuyển đổi.
Cần sớm có hướng dẫn cụ thể để thực hiện chuyển đổi
Ông Thư cho biết trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo chủ trương của nhà nước. Đồng thời, siết chặt việc khai thác, vận chuyển nguyên liệu sản xuất trái phép.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, không để các cơ sở sản xuất gạch thực hiện đầu tư mới, cơi nới, mở rộng cơ sở sản xuất gạch. Kiểm soát chặt chẽ về việc sử dụng nguyên liệu đốt (không cho phép sử dụng than đá) trong quá trình sản xuất để tránh gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
UBND thị xã Ninh Hòa kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở xây dựng hướng dẫn cho thị xã lập kế hoạch thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch nung bằng lò vòng cải tiến.
Trong đó, việc chấm dứt phải có các điều kiện như có mặt bằng để người dân di chuyển lò sử dụng công nghệ mới vào bằng việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Ninh Xuân; có nguồn nguyên liệu để khai thác chính thống theo quy định.
Ngoài ra, phải có hướng dẫn chi tiết về khai thác khoáng sản để người dân biết xin giấy phép và quy trình khai thác; chuyển đổi công nghệ mới thì phải làm những bước cụ thể ra sao, vốn đầu tư bao nhiêu… để hướng dẫn cho người dân thực hiện.
Clip: Chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công ở Ninh Hòa còn nhiều khó khăn.
Châu Tường