Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Nam Trung Bộ, kết hợp rìa phía nam áp cao lạnh lục địa tăng cường; nên từ ngày 8 đến nay (11/10), tỉnh Khánh Hòa xuất hiện đợt mưa dông diện rộng (lượng mưa phổ biến từ 60-100mm), cục bộ có nơi có mưa vừa đến mưa to ở ven biển phía bắc (lượng mưa lớn nhất ở Vạn Thạnh: 175mm...).
Dự báo, từ nay (11/10) đến ngày 14/10, tỉnh Khánh Hòa còn ảnh hưởng của hoàn lưu vùng xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực vùng biển nên trên địa bàn tỉnh lượng mưa tập trung trong ngày 13/10 và 14/10 (lượng mưa phổ biến từ 100-150mm).
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ.
Đồng thời, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất, đặc biệt nguy cơ sạt lở tại các khu vực chịu ảnh hưởng của đợt mưa lớn trong những ngày qua.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng của mưa lũ (đặc biệt các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi, có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống; các khu vực thường xuyên ngập lụt thuộc hạ lưu các hồ chứa...).
Chủ động bố trí lực lượng sẵn sàng thực hiện việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực xung yếu, nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khi mưa lũ lớn xảy ra.
Bên cạnh đó, rà soát các khu vực cầu, ngầm, tràn... thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt khi có mưa lũ để chủ động bố trí lực lượng hướng dẫn, chốt chặn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Chỉ đạo các chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị thi công có phương án phòng chống thiên tai nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công; thực hiện tháo dỡ các hạng mục thi công công trình gây ách tắc dòng chảy; rào chắn, cắm biển cảnh báo tại các khu vực thi công, hố móng công trình... (đặc biệt là các công trình ở các khu vực có người dân thường xuyên đi lại) nhằm đảm bảo, an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện về tình hình dông lốc, sóng lớn trên biển để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện liên tục theo dõi, cập nhật biến mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt vùng hạ du.
Kiểm tra, rà soát, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai tại các hồ đập; thực hiện ngay các biện pháp gia cố, khắc phục và bố trí lực lượng thường xuyên theo dõi để kịp thời xử lý nếu xảy ra sự cố.
Các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật thông tin, tổng hợp báo cáo thiệt hại (nếu có) và báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tham mưu UBND tỉnh.
Châu Tường