Đến dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công bố Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch được phê duyệt, mục tiêu phát triển tổng quát của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp - công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu Á với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết các quy hoạch trên được duyệt là cơ sở, tiền đề quan trọng trong việc thực hiện hóa mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra.
Trong thời gian tới, những định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh bao gồm: Hiện đại hóa các ngành dịch vụ, phát triển du lịch chất lượng cao. Phát triển dịch vụ cảng biển, vận tải biển và logistics gắn với phát triển hạ tầng cảng biển và giao thông.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghiệp trên cơ sở khai thác tốt hơn các tiềm năng của tỉnh gắn với xu thế phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của cả nước. Phát triển mạnh ngành khai thác thủy sản gắn với Trung tâm nghề cá lớn và ngành nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tập trung vào các mặt hàng có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu.
Phát triển hệ thống đô thị theo hướng thông minh, bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo tồn và phát huy bản sắc đô thị biển - đảo - sông - núi; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đóng vai trò trung tâm kết nối trong vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; có năng lực cạnh tranh và thương hiệu ở tầm khu vực, quốc tế.
“Tỉnh Khánh Hòa cam kết và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thực hiện nhất quán quan điểm “chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp”. Các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai”, ông Tuân nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là một sự kiện rất ý nghĩa vào dịp kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa và 48 năm ngày giải phóng tỉnh; là sự kiện rất được mong đợi, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là cơ hội tốt để các đối tác có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, tổng thể hơn về tiềm năng, thế mạnh của Khánh Hòa.
Thủ tướng cũng dành thời gian phân tích thêm về những điều kiện thuận lợi của tỉnh Khánh Hòa. Thủ tướng nhấn mạnh, Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi cho cả phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, logistics… Trong đó, có nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển những lĩnh vực theo xu hướng thời đại như công nghiệp sáng tạo, nông nghiệp hữu cơ; năng lượng sạch… và nhất là du lịch sinh thái đẳng cấp, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Thủ tướng khẳng định, Khánh Hòa nằm trong tổng thể phát triển của Việt Nam và hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, phát triển văn hóa… Qua đó, tạo động lực, sức lan tỏa thúc đẩy phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước.
Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Năm 2022, kinh tế - xã hội phục hồi mạnh mẽ, có 20/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, GRDP tăng 20,7% (cao nhất cả nước).
Tuy nhiên, Khánh Hòa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thế mạnh của tỉnh. Thủ tướng đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư, khai thác quản lý tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, bền vững và đảm bảo môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh liên kết vùng sao cho chặt chẽ và hiệu quả; huy động nguồn lực phát triển kinh tế, nhất là nguồn lực hợp tác công tư; cải thiện môi trường đầu tư nhanh, kịp thời.
Thời gian tới, tỉnh cần khẩn trương hoàn hiện, triển khai hiệu quả các quy hoạch, có chương trình hành động để cụ thể hóa các quy hoạch, phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn. Phát triển hệ thống đô thị, đầu tư kết nối hạ tầng; phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; nâng cao giá trị đất, nâng cao hiệu quả khai thác các cảng hàng không, cảng biển.
Bên cạnh đó, phải nghiên cứu tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lấy nguồn lực bên trong, kết hợp nguồn lực bên ngoài; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học công nghệ làm động lực, nền tảng…
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tuân thủ đúng luật pháp; xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ môi trường…
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả”, bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Khánh Hòa thành những sản phẩm, công trình, giá trị cụ thể, thành động lực phát triển…
Tại hội nghị, ban tổ chức cũng đã tiến hành khai trương Cổng thông tin Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa tại địa chỉ: https://ipa.khanhhoa.gov.vn/.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đối với dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh với tổng vốn đăng ký 85.293 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa cũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 31.250 tỷ đồng; trao biên bản ghi nhớ cho 16 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư các dự án nghiên cứu khoảng 80.600 tỷ đồng.
Châu Tường